Xác định vai trò quan trọng của khoa học - kỹ thuật (KHKT), những năm gần đây, huyện Đồng Hỷ tích cực chuyển giao các quy trình canh tác tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản...
Người dân xóm Trại Cài, xã Minh Lập, thu hái chè VietGAP. |
Năm 2023, huyện Đồng Hỷ triển khai mô hình "Chăn nuôi vịt biển" tại xã Hoá Trung với sự tham gia của 11 hộ dân, quy mô nuôi 8.000 con vịt biển 15 - Đại Xuyên.
Tham gia Mô hình, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng trị một số bệnh thường gặp, được hỗ trợ 70% kinh phí mua giống, 30% thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, hỗ trợ chế phẩm sinh học, hoá chất sát trùng, thuốc thú y.
Qua theo dõi, sau thời gian nuôi 60 ngày, đàn vịt của các hộ đều phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt từ 2,6 - 2,9 kg/con; tỷ lệ sống đạt hơn 96%.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Bí thư Chi bộ xóm La Đành, cho biết: Lứa đầu đến thời kỳ xuất, các hộ dân mang đi tiêu thụ và nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Sau khi trừ các chi phí, chia bình quân mỗi hộ nuôi vịt biển lãi khoảng 7,5 triệu đồng/500 con. Đây là mức thu nhập khá cao so với trồng lúa. Lượng khách tìm đến mua ngày càng nhiều, do đó các hộ dân đã tăng đàn.
Tương tự, mô hình sản xuất chè theo hướng VietGAP, hữu cơ cũng được triển khai trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Gia đình anh Hoàng Văn Nhu, xóm Tân Thành, xã Văn Lăng, có hơn 8 sào chè trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP. Trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng chè trung du, chè đồi và không tưới nước được, sâu bệnh nhiều. Sau khi chuyển sang làm chè VietGAP, giá trị sản phẩm chè được nâng cao.
Anh Nhu cho biết: Khi sản xuất chè theo hướng VietGAP, giá sản phẩm được đảm bảo và liên tục cải thiện, hiện chè bán với giá từ 120-150 nghìn đồng/kg, trước đây chỉ khoảng 70-80 nghìn đồng/kg.
Còn tại thị trấn Sông Cầu, những hộ trồng chè của tổ dân phố 2 cũng đang dần chuyển đổi những giống chè cũ có năng suất thấp sang trồng giống NDT1 theo quy trình VietGAP, hướng dần tới tiêu chuẩn hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Tổ trưởng tổ dân phố 2, chia sẻ: Giờ người dân trồng chè chất lượng cao, riêng việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa cũng không đủ cầu.
Mô hình được nhân rộng, tính đến hết năm 2022, huyện Đồng Hỷ đã có 2.000ha/3.900ha chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Trong đó, diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ là 602,15ha, chiếm 15,8% tổng diện tích toàn huyện.
Có thể nói, nhờ áp dụng KHKT vào sản xuất nên hiệu quả canh tác được nâng lên rõ rệt, quan trọng hơn là đã thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của nông dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp hàng hóa hướng tới sự bền vững.
Năm 2022, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của huyện Đồng Hỷ đạt 120,9 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2020. Đặc biệt, huyện đã có 36 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP, tăng 29 sản phẩm so với năm 2019. Trong đó có 18 sản phẩm đạt 3 sao; 17 sản phẩm đạt 4 sao, 01 sản phẩm đạt 5 sao.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất, nên việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu, vốn hỗ trợ mô hình chưa nhiều, trình độ của người dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến, áp dụng KHKT trên diện rộng. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết sản xuất chưa đồng bộ nên hiệu quả chuyển giao tiến bộ KHKT chưa cao.
Thời gian tới, huyện Đồng Hỷ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa gạo, rau, củ, quả an toàn...
Huyện cũng ưu tiên đầu tư phát triển nhóm sản phẩm có lợi thế. Ngoài việc khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, huyện rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin