Lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp và thương mại, dịch vụ, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp. Trước thực tế này, bà con nông dân ở nhiều địa phương đã tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Với chiếc máy cày bừa đa năng, trung bình một ngày ông Phạm Văn Cảnh, ở xóm Hạ, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) làm được khoảng 4 mẫu ruộng, tăng gấp đôi so với trước. |
Đang là thời điểm gieo cấy lúa vụ xuân năm 2024, đến bất cứ địa phương nào trong tỉnh chúng tôi cũng thấy những chiếc máy cày bừa đa năng xuất hiện trên đồng ruộng. Nếu như trước đây, bà con nông dân phải vất vả lội ruộng bì bõm theo sau những chiếc máy cày, bừa, bùn đất bắn đầy người, thì nay việc cày bừa đã được nhiều hộ sử dụng chiếc máy đa năng.
Ông Phạm Văn Cảnh, ở xóm Hạ, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), cho biết: Tôi làm công việc cầy bừa thuê đến nay đã gần 10 năm. Trước đây, việc làm đất hết sức vất vả, dù trời nắng, mưa hay ngày đông giá rét vẫn phải lội ruộng để cày bừa. Việc bị say nắng hay cảm lạnh diễn ra thường xuyên. Chính vì thế năm 2022 tôi đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng để đầu tư mua máy cày bừa đa năng. Với chiếc máy này, không chỉ giúp tôi giảm được sức lao động mà còn có thêm thu nhập khi diện tích cày bừa thuê tăng từ 8ha lên gần 18ha/vụ.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Thu, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên), nhờ ứng dụng công nghệ tưới tự động vào trong sản xuất rau màu đã giúp tiết kiệm được công sức lao động, nâng cao hiệu quả cây trồng. Chị Thu chia sẻ: Do diện tích ruộng của gia đình nằm không tập trung, trước đây, để tưới nước cho hơn 1ha cây ra màu phải mất ít nhất 3-4 ngày, do phải ròng đường ống dẫn nước đến các ruộng và cần từ 2 đến 3 người. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới bằng van xoay tự động chỉ mất 1 ngày là xong và chỉ cần một người khởi động máy bơm.
Nhận thức được lợi ích từ việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhiều năm nay, người nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư để đưa nhiều máy móc vào sản xuất. Ngoài làm đất và thu hoạch, thì trong khâu chế biến cũng đang được ứng dụng và đem lại hiệu quả tích cực. Nhiều hợp tác xã đã đầu tư máy móc, dây chuyền, công nghệ mới trong chế biến. Đơn cử như tại Hợp tác xã nông nghiệp Tiên Phong, xã Yên Trạch (Phú Lương). Để phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu, năm 2022, đơn vị này đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng và mua sắm các máy móc như: máy sao sấy, máy chiết xuất, nồi nấu cao dược liệu...
Việc ứng dụng công nghệ tưới tự động vào quá trình canh tác rau màu đã giúp gia đình chị Nguyễn Thị Thu, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) giảm được sức lao động. |
Anh Nguyễn Quốc Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã ông nghiệp Tiên Phong, cho biết: Với việc đưa máy móc vào sản xuất không chỉ giúp tôi khắc phục tình trạng khó khăn trong việc thuê lao động mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Chúng tôi không cần phải người túc trực trong quá trình sao sấy, nấu cao như trước đây mà chỉ cần hẹn giờ để máy chạy tự động là xong.
Sự hiệu quả vượt trội về sản xuất, tiết kiệm thời gian, chi phí, giải phóng sức lao động là những yếu tố giúp cho việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trồng cây hàng năm đạt khoảng 93%; khâu vận chuyển nông sản đạt gần 100%; khâu tưới nước đạt 95%...
Ông Triệu Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Ứng dụng công nghệ thông qua việc đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Công nghệ không chỉ góp phần đảm bảo thời vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, khắc phục tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp mà còn giúp người dân chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc áp công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất. Đồng thời các địa phương cũng khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy móc phù hợp với điều kiện thực tế để phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân vào đầu tư phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm... Từ đó thúc đẩy quá trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin