Định Hóa vào vụ trồng rừng mới

Dương Hưng 10:58, 25/01/2024

Trồng rừng là hướng phát triển kinh tế chính của phần lớn các hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Định Hóa. Thời điểm này, cơ quan chức năng của huyện và các xã, thị trấn đang đẩy mạnh hướng dẫn người dân xử lý thực bì; chú trọng kiểm tra chất lượng cây giống nhằm đảm bảo vụ trồng rừng mới đạt hiệu quả cao nhất.

Từ cuối tháng 11-2023, gia đình anh Nguyễn Văn Sáng, ở xóm Song Thái, xã Điềm Mặc (Định Hóa) đã tiến hành thu hoạch rừng quế gần 15 năm tuổi và xử lý thực bì để chuẩn bị cho vụ trồng rừng năm 2024.
Từ cuối tháng 11-2023, gia đình anh Nguyễn Văn Sáng, ở xóm Song Thái, xã Điềm Mặc (Định Hóa) đã tiến hành thu hoạch rừng quế gần 15 năm tuổi và xử lý thực bì để chuẩn bị cho vụ trồng rừng năm 2024.

Vụ trồng rừng thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6 trong năm. Đây là khoảng thời gian xuất hiện mưa Xuân, thời tiết cũng bắt đầu có nắng ấm nên cây mới trồng nhanh bén rễ, phát triển tốt, hạn chế tình trạng cây trồng bị chết.

Vụ trồng rừng năm 2024, huyện Định Hóa có kế hoạch trồng hơn 1.100ha. Trong đó, diện tích trồng quế chiếm 50%, còn lại là keo, bạch đàn, mỡ và các cây trồng bản địa khác. Để sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới, người dân trên địa bàn huyện đã xử lý xong thực bì để đến đầu tháng 3, ngay khi thời tiết có mưa Xuân, bà con sẽ triển khai trồng.

Như tại gia đình anh Nguyễn Văn Sáng, ở xóm Song Thái, xã Điềm Mặc, từ giữa tháng 11-2023, anh đã tiến hành khai thác 0,3ha quế gần 15 năm tuổi, đồng thời nhanh chóng xử lý thực bì để chuẩn bị cho vụ trồng rừng năm 2024. Anh Sáng chia sẻ: Do diện tích rừng trồng mới chủ yếu ở phần đất vừa khai thác quế nên khâu xử lý thực bì cũng dễ dàng hơn. Vì phần lá, cành, thân cây quế đều được thu gom để bán nên trên rừng chỉ còn lại số ít cây dại phải phát đi. Tiền bán quế được khoảng 300 triệu đồng, tôi dùng để mua thêm gần 0,1ha đất rừng và mua cây giống, phân bón phục vụ trồng rừng vụ mới.

Tại xã Quy Kỳ, một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất huyện Định Hóa (hơn 5.000ha), theo ông Lâm Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã: Hiện nay, bà con đang tích cực chuyển đổi cây rừng trồng từ keo, bạch đàn, mỡ sang trồng quế để nâng cao giá trị kinh tế. Đến thời điểm này, các hộ dân đã xử lý xong phần thực bì và liên hệ tìm kiếm nguồn cung cấp cây giống. Dự kiến năm 2024, bà con trong xã sẽ trồng mới hơn 100ha rừng, trong đó có khoảng 70ha quế, còn lại là cây keo.

Trong trồng rừng, giống là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng rừng trồng. Do đó, cùng với sự chuẩn bị của người dân, cơ quan chức năng của huyện Định Hóa đã tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở cung cấp cây giống, phân bón trên địa bàn nhằm đánh giá số lượng, chất lượng cây giống trước khi cung cấp cho người dân.          

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Định Hóa, cho biết: Theo định mức kỹ thuật trồng rừng, đối với quế là 5.000 cây/ha, cây keo khoảng 2.000 cây/ha. Số lượng cây giống phục vụ trồng rừng năm 2024 trên địa bàn khá lớn.

Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã chia tổ đi kiểm tra, đánh giá chất lượng cây giống của các cơ sở cung cấp giống cây trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy chất lượng cây giống năm nay khá tốt, cây đều hơn, đảm bảo tiêu chuẩn về chiều cao, thân mập. Đây là yếu tố quan trọng giúp cây trồng nâng cao tỷ lệ sống và phát triển tốt.

Bên cạnh đó, trước khi vào vụ trồng rừng, Hạt Kiểm lâm huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng, cách xử lý thực bì và tổ chức diễn tập phòng, chống cháy rừng cho người dân. Vì vậy, gần 10 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Định Hóa không để xảy ra cháy rừng. Sự chuẩn bị chu đáo chính là cơ sở để huyện kỳ vọng tiếp tục có một vụ trồng rừng thắng lợi, đúng với định hướng phát triển kinh tế rừng của địa phương...