Với đặc thù là huyện miền núi, Định Hóa xác định muốn nâng cao giá trị sản xuất cần tập trung xây dựng chuỗi giá trị nông, lâm sản bằng thương hiệu tập thể. Hiện thực hóa định hướng này, huyện đã khuyến khích các hợp tác xã (HTX) thực hiện mô hình sản xuất gắn với đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.
Sản phẩm OCOP mỳ gạo Bao thai Định Hóa của Tổ hợp tác Kim Phượng mỗi tháng được bán ra thị trường từ 3-5 tấn, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm. |
Phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất nông, lâm nghiệp, huyện Định Hóa tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đối với lĩnh vực trồng trọt, huyện duy trì và phát triển các giống lúa đặc sản như: Bao thai, J02, nếp Vải, nếp cái Hoa vàng… và các sản phẩm chế biến từ gạo như mỳ gạo Bao thai, bún, phở...
Bên cạnh đó, huyện triển khai trồng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, diện tích trồng chè mới và thay thế hằng năm đạt trên 100ha; mở rộng diện tích chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP lên hơn 360ha; sản lượng chè búp tươi năm 2023 đạt 29.200 tấn.
Trong bảo vệ và phát triển rừng, mỗi năm, Định Hóa trồng mới trên 1.000ha, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 59%. Đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí để phát triển cây quế trở thành cây kinh tế mũi nhọn, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Diện tích trồng quế mới bình quân đạt trên 500ha/năm. Đến hết năm 2023, toàn huyện trồng được trên 4.150ha quế, trong đó có hơn 700ha đã đến tuổi được khai thác tỉa.
Ông Mông Đình Tinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chủ trương của Định Hóa là lấy kinh tế HTX làm trung tâm để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Hiện nay trên địa bàn huyện có 42 HTX, trong đó 37 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm qua, các HTX trên địa bàn luôn được huyện quan tâm tạo điều kiện thuân lợi để tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đáng chú ý là hỗ trợ lãi suất vốn vay từ nguồn ngân sách của huyện và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh; hỗ trợ tham gia các mô hình, dự án gắn với đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất gắn với các sản phẩm đặc trưng... Đặc biệt là đồng hành với các HTX trong quá trình chuyển đổi số; thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, Định Hóa đã có 7 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2023 huyện đã hỗ trợ cho 16 HTX thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 với tổng số kinh phí gần 11 tỷ đồng.
Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện đã đạt trên 100 triệu đồng/ha; diện tích đất đồi, rừng sau gần 5 năm thực hiện thâm canh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng chè cao sản, quế… bước đầu cho thu hoạch và đạt giá trị trên 140 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết và tổ chức theo HTX đã cho thu hoạch đạt giá trị trên 160 triệu đồng/ha đất nông nghiệp và gần 180 triệu đồng/ha đất đồi rừng. Đây là những kết quả tạo động lực, khuyến khích người dân mở rộng sản xuất liên kết theo chuỗi sản phẩm, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin