Xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại trên cây trồng

Vũ Công 10:19, 28/03/2024

Điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, mưa nắng xen kẽ, độ ẩm cao, rét nhẹ trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh và gây hại trên một số loại cây trồng.

Nông dân xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại trên lúa xuân.
Nông dân xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại trên lúa xuân.

Cụ thể, trên cây lúa xuất hiện rầy các loại với mật độ trung bình 10-20 con/m2, nơi cao 40-50 con/m2; sâu cuốn lá nhỏ với mật độ trung bình 1-2 con/m2, nơi cao 4-5 con/m2; bệnh đạo ôn với tỷ lệ bệnh trung bình 0,5-1%, nơi cao 4-5%, cục bộ 15% lá bị bệnh, tập trung nhiều ở TP. Phổ Yên, TP, Sông Công, huyện Đồng Hỷ, với diện tích nhiễm khoảng 6ha; chuột với tỷ lệ hại trung bình 0,5-1,5%, nơi cao 2-4,4% dảnh bị hại...

Trên cây ngô xuất hiện sâu cắn lá với mật độ trung bình 1-2 con/m2, nơi cao 4-5 con/m2; bệnh đốm lá nhỏ với tỷ lệ hại trung bình 2%, nơi cao 10%, cấp 1-3.

Cây chè xuất hiện bệnh phồng lá với tỷ lệ hại trung bình 0,5-3,5%, nơi cao 5-10%, cục bộ 15% lá bị bệnh, diện tích bị nhiễm chủ yếu ở các huyện Định Hóa, Đại Từ, với diện tích nhiễm khoảng 64ha; bọ xít muỗi gây hại với tỷ lệ hại trung bình 1-4%, nơi cao 5-10% búp bị hại, diện tích nhiễm khoảng 67ha; rầy xanh với tỷ lệ hại trung bình 1-5%, nơi cao 10-15%, cục bộ 20% búp bị hại, diện tích nhiễm khoảng 198ha... Các loại cây ăn quả như vải, nhãn xuất hiện bọ xít nâu, nhện lông nhung và sương mai.

Để bảo vệ cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang phối hợp với các địa phương để điều tra, dự tính, dự báo tình hình sinh vật hại trước, trong và sau các đợt cao điểm; chỉ đạo biện pháp phòng trừ kịp thời, kiểm soát các đối tượng dịch hại; khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi diễn biến sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.



Thế giới Cây và hoa Việt Nam