Từ chiếc xe máy hỏng và những phế liệu bỏ đi, nông dân Nguyễn Hữu Luật (sinh năm 1948) ở xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương đã chế tạo thành công chiếc máy cày phục vụ sản xuất. Hiệu quả của chiếc máy cày do ông chế tạo giúp người nông dân giảm được chi phí, dễ sử dụng và có thể sử dụng ở nhiều địa hình khác nhau.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất lâu đời gắn bó với nghề nông, quanh năm vất vả với ruộng đồng, ngay từ nhỏ, ông đã nuôi trí lớn trở thành một kỹ sư chế tạo máy móc, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, năm lớp 7, ông đành bỏ học, ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, nuôi các em ăn học.
18 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tình nguyện nhập ngũ, rồi cùng đồng đội hành quân Nam tiến. Gần 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam (1966-1975), ông cùng đơn vị hành quân qua những vùng đất bị trải chất độc hoá học để tham gia các trận đánh địch. Ngày phục viên, trở về quê hương trong tình yêu thương của người thân, ông hăm hở bước vào cuộc chiến đấu mới trên mặt trận xoá đói, giảm nghèo. Mỗi lần gặp khó khăn, ông thường nói với mọi người: Nhiều đồng đội của tôi đã không được trở về. Nhiều đồng đội tôi trở về nhưng không được lành lặn. Tôi là người may mắn hơn, cơ thể chẳng mất mát thứ gì, nên tôi phải sống và làm thật nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội.
Ông nói như thế nhưng thực ra vẫn đang hàng ngày che giấu sự đau đớn âm ỉ gặm nhấm trong cơ thể. Những hôm trái gió trở trời, toàn thân ông đau nhức. Đi khám bệnh bác sĩ kết luận ông bị nhiễm chất độc hoá học, hao tổn 39% sức khoẻ.
Vốn người cần cù, chất phác, lam làm, ông chẳng nề hà công việc gì, hết lo làm việc nhà lại đi giúp bà con chòm xóm. Cũng vì thế, ông luôn trăn trở, nghĩ suy là phải làm như thế nào đó để chính ông và nhiều nông dân trong vùng đỡ cực khổ. Ông kể: Trước đây, ngay như gia đình nhà tôi, mỗi khi cày ruộng lại phải thuê người đưa trâu đến cày, mất cả buổi mới cày xong 2 sào ruộng, tiền công cũng phải mất 220.000 nghìn đồng/sào mà hiệu quả công việc lại không cao. Nhà có 8 sào ruộng, thuê cày mỗi vụ hết 1.760.000 đồng/vụ. Khó khăn nhất là trong những năm gần đây, đàn trâu, bò cày kéo trong nông dân giảm, việc cày, bừa làm đất được cơ giới hoá, nhưng nông dân phải có tiền trả dịch vụ thuê máy.
Sau nhiều lần tính toán, nếu làm nông nghiệp, mọi thứ đều đi thuê thì hạt thóc phải gánh quá nhiều thứ dịch vụ, người nông dân chẳng còn lợi là bao. Ông suy nghĩ và bắt đầu nghiên cứu, chế tạo ra một loại máy phục vụ nông nghiệp. Ông bảo: Các kỹ sư, giáo sư, nhà sáng chế đã thiết kế, làm ra các loại máy hoàn hảo rồi, nhưng tôi nghĩ mình phải có chút cải tiến thêm để phù hợp với nông dân. Quan trọng là phải đáp ứng các điều kiện: Giảm sức lao động, tiết kiệm nguyên liệu, năng suất cao.
Để chế tạo ra chiếc máy cày như ý tưởng của mình, ông mất gần nửa năm tìm các tài liệu liên quan đến máy móc. Ông nghiên cứu về các thông số kỹ thuật động cơ, nguyên lý vận hành của máy. Sau đó ông dành số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để đi mua máy hàn, máy cắt, máy khoan sắt… một số vật tư cần thiết làm khung máy cày và mua thêm chiếc xe máy Wave cũ. Ông tháo tung chiếc xe Wave, chọn lấy ổ máy (bộ đồ nổ), bánh răng, xích, bình chứa xăng. Khi đã có trong tay những vật tư cần thiết, ông bắt tay vào công việc cắt, hàn, gò, rũa… chiếc máy cày theo ý mình. Liên tục trong 4 tháng tháo ra, lắp vào, cho máy nôt thử, chạy không tải. Tiếng máy mổ ròn, mừng lắm, ông mang chiếc máy ra ruộng cày thử. Nhưng ông đã thất bại. Ngay lúc đưa máy xuống ruộng, lưỡi cày vừa ăn xuống đất thì… động cơ rú lên, chiếc máy cày lồng lộn như con trâu điên rồi lăn vật ra mặt ruộng.
Thất bại nhưng ông không hề nản lòng, ông lại tiếp tục nghiên cứu, lúc nào trong đầu ông cũng chỉ nghĩ đến cách khắc phục chiếc máy. Ông bắt đầu cải tiến động cơ, thiết bị máy và lắp đặt các bộ phận động cơ máy vào thân máy cày đã hỏng, lắp thêm phần trục... Ông tâm sự: Khó nhất phải kể đến đó là việc chế hộp số, bộ côn rời, gia công lại các bánh răng để làm chậm lại vòng tua, tạo lực cho máy. Bình xăng cũng được ông tận dụng luôn từ bình xăng của xe máy cũ. Vừa vận hành, ông vừa nghiên cứu cải tiến máy sao cho dễ sử dụng. Sau cùng, ông cũng chế tạo, lắp ráp được chiếc máy cày như ý. Máy chạy phăm phăm, thẳng đường cày, bà con đến xem ai cúng thích, đặt ông làm máy cho gia đình.
Ông hạch toán cho chúng tôi: Chi phí để làm ra một chiếc máy cày này chỉ hết có 5 triệu đồng. Máy có công suất bằng… 8 sức người. Máy chạy êm, có sức kéo tốt, thân máy gọn, nhẹ, thuận lợi cho việc làm đất trồng màu. Đặc biệt nhiên liệu sử dụng chỉ tốn 1 lít xăng/1,5 sào ruộng… Giây lát dừng lời, ông cho chúng tôi biết thêm: Tôi dự định sẽ cải tiến thêm một só chi tiết máy để có thể cày được cả những nơi ruộng thụt sâu và tiết kiệm nguồn nhiên liệu hơn nữa.
Nhiều bà con nhận xét: Ông Luật là một nông dân năng động, sống gương mẫu, tích cực giúp đỡ bà con chòm xóm và là người sáng dạ, có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất. Không chỉ thế, ông Luật còn là một Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin xã Cổ Lũng được cán bộ, nhân dân trong vùng quý mến.