Kỹ sư nông nghiệp có duyên với cây chè

09:56, 27/11/2015

Tôi gặp lại anh Trần Hanh, sinh năm 1976, Giám đốc Công ty TNHH chè Thúy Vân, có địa chỉ tại tổ dân phố 3, phường Lương Châu (T.P Sông Công) tại Hội chợ Thương mại, du lịch Thái Nguyên chào mừng Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015. Bên gian hàng của Công ty tham gia Hội chợ, anh hồ hởi: Qua 3 ngày diễn ra Hội chợ, sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Đây cũng là cơ hội lớn để Công ty giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè an toàn tới bạn bè trong nước và du khách quốc tế.

Ngoài các loại chè truyền thống, Công ty còn mang đến Hội chợ sản phẩm tinh bột trà xanh Matcha, mới được sản xuất thành công đầu năm 2015, hiện vẫn còn khá mới mẻ với người tiêu dùng trong tỉnh. Sản phẩm này, anh đã mất nhiều thời gian tìm hiểu cũng như đi thực tế để học hỏi kinh nghiệm chế biến. Qua nhiều tuần thử nghiệm, anh nhận thấy sử dụng lá chè bánh tẻ (lá thứ ba, thứ tư) là ưu việt nhất. Sau khi ngắt về, lá chè được rửa sạch, sấy khô rồi dùng máy xay xay nhỏ. Thường 1kg tinh bột trà xanh phải mất 12-15kg lá chè tươi, bán ra với giá 1-1,2 triệu đồng/kg. Tinh bột trà xanh Matcha không chỉ làm sản phẩm đắp mặt mà còn được dùng để làm bánh hoặc uống cho mọi lứa tuổi. Anh khẳng định: Công ty hướng đến đa dạng các sản phẩm không những phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng mà còn giúp người nông dân và doanh nghiệp khai tác tối đa hiệu quả kinh tế từ cây chè. Vốn có sẵn thị trường nên việc giới thiệu và tiêu thụ tinh bột trà xanh của Công ty sớm có mặt ở Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ngãi… Từ tháng 4-2015 đến nay, mỗi tháng, Công ty sản xuất được 35-40kg tinh bột trà xanh Matcha.

 

Tôi còn nhớ hôm xuống Công ty TNHH chè Thúy Vân, được nghe kể về cái duyên gắn bó của anh với cây chè suốt gần 20 năm qua. Năm 1999, tốt nghiệp khoa trồng trọt, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), anh Hanh về công tác tại Ban Dự án chè của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hai năm sau, anh được điều về làm cán bộ khuyến nông của huyện Võ Nhai, “cắm bản” ở xã Cúc Đường; rồi về công tác ở Nhà máy Chè Sông Cầu Đồng Hỷ; tham gia viết dự án phát triển chè cho Công ty chè Tân Cương - Hoàng Bình; phụ trách kỹ thuật sản xuất chè Ô long ở Công ty chè Vạn Tài (địa chỉ ở xã Phúc Thuận, Phổ Yên). Anh còn hợp tác với Công ty cổ phần đào tạo nghề Sông Công làm giảng viên lên lớp đào tạo nghề chè cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2000, khi Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án đưa chè cành xuống ruộng ở xã Bá Xuyên (Sông Công), anh đã trồng gần 1 mẫu chè cành ở vườn nhà và trên khu đất ruộng kém màu mỡ của gia đình. Thấy hiệu quả kinh tế lâu dài, ổn định từ chè, vợ chồng anh bắt đầu thu mua thêm chè của nhiều người dân trong khu vực để lấy hương, đóng gói, bán nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

 

Quãng thời gian là kỹ sư nông nghiệp không chỉ giúp anh Hanh gắn bó hơn với đất và người làm chè, mà còn gợi mở trong anh ý tưởng về việc xây dựng vùng chè tự nhiên. Vừa uống chén trà xanh ngát hương như quện sinh khí đất trời vùng núi cao, chúng tôi vừa nghe anh Hanh kể: Chè Võ Nhai nổi tiếng như Tân Cương, song nó có vị riêng và hương thơm nhẹ do được thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng núi đá cao mang lại. Hơn nữa, với tiêu chí hướng đến cung cấp sản phẩm chè an toàn cho người tiêu dùng, tôi đã bàn bạc và được người dân làm chè ở xóm Lam Sơn, xã Cúc Đường đồng thuận cao. Đó là thời điểm tháng 6-2013, anh Hanh thành lập Công ty TNHH Chè Thúy Vân. Với diện tích chè hơn 1 mẫu của gia đình không đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho chế biến, anh đã đầu tư phân bón trả chậm, tư vấn kỹ thuật khoa học chăm sóc và đảm bảo đầu ra cho 12 hộ trồng chè với diện tích 3ha ở xóm Lam Sơn, xã Cúc Đường, Võ Nhai. Đây đa phần là những vùng chè nguyên liệu mà người dân để chúng phát triển tự nhiên và ít phun thuốc bảo vệ thực vật.

 

Từ những khách hàng gắn bó với anh nhiều năm khi gia đình bắt đầu kinh doanh chè, đến những mối quan hệ kinh doanh anh có được từ những lần đi giảng dạy các lớp đào tạo nghề trồng và chế biến chè, anh đã mở rộng địa bàn tiêu thụ ở tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội… Không dừng lại ở việc 1, 2 sản phẩm chè truyền thống, Công ty đã cung ứng cho người tiêu dùng gần 10 loại chè xanh khác nhau với giá bán từ 150-800 nghìn đồng/kg chè búp khô. Tính trung bình, 1 tháng, Công ty bán được 2-2,5 tấn chè khô các loại, đạt doanh thu hơn 600 triệu đồng, thu lãi khoảng 60 triệu đồng.

 

Nắm kỹ thuật trong tay nên việc sản xuất, chế biến chè với kỹ sư Hanh khá thuận lợi. Anh cũng nỗ lực nghiên cứu, làm ra những sản phẩm chè mới phù hợp với các đối tượng khách hàng khác nhau. Có thể kể đến sản phẩm chè sen Tây Hồ Công ty sản xuất thành công cuối năm 2013. Để làm ra sản phẩm cầu kỳ này, vào mùa sen, anh Hanh phải thuê người mua hoa sen ở Tây Hồ (Hà Nội), về bóc tách lấy lớp gạo sen sau đó cho ướp cùng chè để tạo hương. Mất trung bình trên 1.000 bông sen mới cho đủ lượng gạo sen để ướp, trong thời gian làm liên tục 7 ngày mới cho ra được 1kg chè búp khô, bán với giá 2,5 triệu đồng/kg. Năm đầu, vợ chồng anh và công nhân làm cật lực trong suốt mùa sen được 15kg chè búp khô ướp sen Tây Hồ. Chè được đóng gói nhỏ bán cho khách du lịch, được khách hàng rất chuộng. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm Công ty làm được 18-20kg loại này.

 

Không bằng lòng với những kết quả đạt được, người kỹ sư nông nghiệp tâm huyết với cây chè ấy vẫn đang ngày đêm trăn trở để có thể quảng bá sản phẩm chè xanh vùng đệ Nhất danh Trà, mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà quốc tế…