“Nhà Định Hóa học” và món nợ với quê hương

15:00, 07/11/2015

Nhiều người đặt cho ông Lê Nhâm (đang sống tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa) biệt danh là “nhà Định Hóa học”, vì ông viết nhiều, am hiểu sâu sắc nhiều điều về văn hóa, lịch sử địa phương.

Với vai trò là chủ biên hoặc tham gia viết chính, ông đã và đang viết hơn 10 cuốn lịch sử cấp xã, lịch sử các cơ quan của huyện; tự nguyện bỏ công sức để khảo cứu nhiều chứng tích, sự kiện lịch sử diễn ra trên địa bàn. Đáng khâm phục, bởi ông Nhâm chưa từng được đào tạo bài bản về lĩnh vực này, khi đã sắp về hưu ông mới tập viết sử.

 

Không đi, không viết không chịu được

 

Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm sát chợ Chu lịch sử, ông Lê Nhâm tỏ ra chân thành, nồng hậu như được gặp lại những người thân thiết. Ông có vóc dáng thấp bé, gầy, tóc bạc, khuôn mặt đã hằn nhiều nếp nhăn. Đặc biệt là dáng đi, thế ngồi thường phải ngả ra phía sau. Thấy tôi quan tâm, ông cười mà rằng: “Tôi năm nay 73 rồi còn khỏe sao được nữa! Từ năm 2000 lại bị thoái hóa cột sống nặng, 3 đốt dính vào nhau rồi, giờ mới thành ra thế đấy. Tôi không tự đi xe máy được, xe đạp thì vừa đi vừa dắt thôi”. Tôi tự vấn, “sức đâu mà ông Nhâm có để làm được ngần ấy việc?”.

 

Trên bàn làm việc của ông Nhâm ngổn ngang sổ sách, tài liệu điền dã và bản thảo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tân Thịnh. Ông bảo: Cuốn này đã xong, đang chờ thẩm định lần cuối nhưng tôi vẫn thấy như còn thiếu, còn chưa ổn điều gì đó. Viết sử phải thật chính xác, khách quan nếu không sẽ có lỗi với tiền nhân, không thể vội vàng mà làm ẩu được. Vì thế, tôi phải kiểm tra kỹ xem còn chi tiết gì cần chỉnh sửa trước khi in… Tôi bày tỏ muốn được đi thực tế cùng ông một chuyến, tâm trạng của ông vui hẳn lên: “Vừa tuần trước tôi vào khảo sát lại địa điểm nơi Phân viện Quân y 108 từng đóng đấy. Trong khu rừng chò chỉ trăm năm ở xóm Thịnh Mỹ 3, xã Tân Thịnh ấy. Hay lắm! Nhà báo có muốn vào đấy một chuyến không?”. Vậy là chúng tôi lên đường. Nhiệt huyết trong ông khiến sự háo hức của tôi được cộng hưởng.

 

Đoạn đường từ thị trấn Chợ Chu vào xóm Thịnh Mỹ 3 dài gần 20km, một nửa là đường đất xấu, xóc như muốn lộn ruột. Ngồi trên xe máy của một cán bộ xã đưa đường, ông Nhâm cứ phải ngả mãi người ra phía sau, 2 tay bám chặt vào đuôi xe, trông mà “tội tội”. Nhưng khi đến nơi, ông vẫn cười nói như thường, bảo “đi mãi thành quen, không đi, không viết không chịu được”. Ông bước chậm rãi, dò dẫm trên đất như cẩn thận lần tìm dấu vết của lịch sử. Khảo sát từng gốc cây, thế đất, gặp hỏi thêm nhiều người, ông lại biết thêm những điều mới mẻ, những thông tin quý giá để bổ sung cho công trình mà ông đã dành gần 2 năm tâm huyết. Chả thế mà Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Thịnh, chị Triệu Thị Việt nói chắc nịch: Công trình Lịch sử Đảng bộ xã được ông Nhâm trực tiếp làm chúng tôi yên tâm tuyệt đối. Bản thảo chính xác mà lại hay…

 

Miệt mài trả món nợ quê

 

Điều chắc chắn là ông Lê Nhâm, người đã dồn thời gian và trí lực suốt gần 20 năm qua để nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương không phải vì lý do kinh tế là chính. Ông đã cống hiến nhiều năm trong quân ngũ, trải qua nhiều cương vị công tác trong quân đội và địa phương, hiện đang hưởng lương hưu Thiếu tá, vợ ông có lương hưu giáo viên, 3 người con đều đã trưởng thành. Vậy vì điều gì? Trong câu chuyện với chúng tôi, ông nhắc nhiều đến một món nợ với quê hương khiến ông luôn canh cánh trong tâm. Tự nhủ phải làm, phải trả sao cho xứng đáng mới đành lòng. Với ông, quê hương Định Hóa không chỉ là nơi ông được sinh ra và trưởng thành, mà hơn hết là bởi vùng ATK Anh hùng đó đã thấm đẫm truyền thống lịch sử, nơi mang sứ mệnh đặc biệt đối với dân tộc. Văn hóa, phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng chất chứa bao điều tốt đẹp cần được nghiên cứu, bảo tồn.

 

Ông Lê Nhâm luôn tâm niệm: Truyền thống cách mạng là một thứ tài sản vô giá, sẽ vun bồi niềm tự hào và góp phần quan trọng để giáo dục thế hệ trẻ. Mặt khác, có những nhân chứng, những sự kiện, chi tiết mà các nhà sử học chưa thể khai thác hết, có sự kiện cần phải được xem xét lại, đặt vào đúng vị trí của nó. Điều khiến ông lo lắng là những nhân chứng lịch sử ngày một già yếu rồi “về” với tổ tiên. Ông tự thấy mình có trách nhiệm (ông ví như món nợ) phải tìm hiểu, ghi chép, nghiên cứu và phải viết.

 

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi còn làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Chợ Chu, ông Lê Nhâm đã có ý tưởng sưu tầm, lưu trữ các thông tin lịch sử để viết thành sách. Công việc cơ quan bận rộn và điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, ông vẫn dành thời gian tìm gặp các cụ lão thành cách mạng, những nhân chứng như: Cụ Ngô Nhân, cụ Nguyễn Văn Y, cụ Nông Văn Viên… (những người hoạt động cách mạng từ sớm hoặc công tác lâu năm tại địa phương), để hỏi về lịch sử. Hỏi được điều gì, ông ghi chép cẩn thận, hỏi nhiều người, tìm hiểu nhiều nguồn về một sự kiện để đảm bảo độ chính xác. Ngoài ra, ông cũng cất công khảo sát, tìm đọc nhiều tài liệu lịch sử về các di tích tại địa phương như: Nhà tù Chợ Chu, Chùa Hang, cây đa chợ Chu… Rồi ông đề nghị Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho phép được viết cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu.

 

Ông Nhâm nhớ lại: Lúc đó tôi cứ nghĩ viết lịch sử dễ như mình vẫn làm thơ hoặc viết văn xuôi vậy. Tư liệu đầy đủ, tôi viết một mạch với lối diễn đạt mượt mà, nhưng đã bị những người thẩm định gạch bỏ và yêu cầu sửa chữa rất nhiều. Có khi viết được mấy chục trang, rồi quay lại nghiền ngẫm, tự sửa chữa, cắt gọt còn vài trang, phồng tay mà cuốn sách không xong. Thật may mắn cho tôi khi được bà Lý Thị Sắn, chuyên viên của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Hóa nhiệt tình động viên và hướng dẫn tỷ mỷ. Hiện bà Sắn cũng đã nghỉ hưu và dành nhiều thời gian cùng tôi viết lịch sử các xã, đó là người cộng sự tốt và là người thầy đầu tiên dạy tôi viết sử… Xin “bật mí” thêm với bạn đọc, ông Lê Nhâm là một nhà thơ đã xuất bản 4 tập thơ riêng, hiện là hội viên Hội Văn học – nghệ thuật tỉnh và hội viên Hội thơ Việt Nam.

 

Năm 2001 (khi ông Nhâm đã nghỉ hưu được 1 năm), cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu hoàn thành sau hơn 4 năm kể từ khi ông khai bút, là cuốn lịch sử cấp xã đầu tiên của huyện. Xong xuôi, tác giả được nhận… 0 đồng vì tự nguyện viết (sau đó UBND thị trấn Chợ Chu đã cân đối ngân sách để thưởng cho ông và bà Lý Thị Sắn mỗi người 1,5 triệu đồng). Từ đó, ông Nhâm ngày càng bận rộn hơn với công việc nghiên cứu và viết sử địa phương bởi các xã cứ “bảo nhau” đến nhờ.

 

Đến nay, ngoài cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu, ông Lê Nhâm đã chủ biên hoặc tham gia viết xong lịch sử Đảng bộ các xã: Trung Hội, Thanh Định, Bảo Cường, Bình Thành, Lam Vỹ, Phúc Chu và Trung Lương; đang viết 2 cuốn là Lịch sử Đảng bộ xã Tân Thịnh và tái bản Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu (huyện Định Hóa hiện có 13/24 xã, thị trấn đã biên soạn xong lịch sử Đảng bộ). Ngoài ra, ông cũng tham gia viết hoặc góp ý cho một số cuốn lịch sử của các cơ quan thuộc huyện. Viết mỗi cuốn lịch sử địa phương, ông mất từ 1 đến 2 năm liên tục, được trả công hơn 10 triệu đồng (trước đó thường thấp hơn nhiều).

 

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Hóa Trần Phúc Vĩnh, ông Lê Nhâm đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả Đề án của Huyện ủy về giáo dục truyền thống cách mạng; góp phần để huyện Định Hóa trở thành địa phương có thành tích biên soạn lịch sử cấp xã thuộc nhóm tốt nhất tỉnh. Cá nhân ông đã được nhận Bằng khen của Tỉnh ủy vì thành tích nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương. Ông Lưu Viết Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Định Hóa là người có chuyên môn về lịch sử nhận xét: Ông Nhâm rất say sưa tìm tòi, nghiên cứu và viết lịch sử địa phương. Dù không được đào tạo chuyên ngành nhưng ông ấy đã tự học hỏi và có phương pháp làm chuyên nghiệp, khoa học và đáng tin cậy…

 

Ông Lê Nhâm thích nói chuyện lịch sử hơn là kể về bản thân mình. Vì tìm hiểu qua những “kênh” khác, tôi được biết ông làm được nhiều hơn những gì đã “chịu” giãi bày. Ông là một trong những người có công đầu trong việc khôi phục Lễ hội Chùa Hang (Định Hóa); thuyết phục các cấp, ngành liên quan giữ nguyên vẹn chợ Chu, xây chợ hiện đại ra khu vực khác; đề xuất lập bia tại cây đa chợ Chu (một địa điểm quan trọng trong Cuộc vận động Cách mạng tháng Tám); gặp các nhân chứng, cất công tìm tài liệu gốc để chứng minh và đang đề nghị cơ quan liên quan xem xét, điều chỉnh cho chính xác một số mốc lịch sử như: Thời điểm thực dân Pháp cho lập Trường Tiểu học Chợ Chu, thời điểm Bác Hồ đến Chợ Chu, ngày các chiến sỹ cách mạng tổ chức vượt ngục khỏi Nhà tù Chợ Chu… Dù bận, ông vẫn luôn sẵn sàng dành nhiều thời gian để nói chuyện lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ khi được các cơ quan, trường học mời tới… Những việc làm đó thật khó định lượng bằng giá trị vật chất.

 

Tuổi cao, sức yếu, mắt mờ (chỉ còn 1/10) - chừng đó không đủ ngăn ông Lê Nhâm tiếp tục rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ, hoặc nhờ người đèo bằng xe máy, miệt mài đi khắp các vùng thuộc huyện Định Hóa để thu thập tư liệu và viết lịch sử địa phương… Tình yêu của con người ấy đối với quê hương ấy thật đáng khâm phục!