Nữ quân y tận tụy với công việc

10:30, 16/11/2015

Năng nổ, hết lòng với công việc là những điều chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với bà Võ Thị Lệ, sinh năm 1955, ở  xã Vinh Sơn (T.P Sông Công). 21 năm nay, bà vẫn cần mẫn khám, chữa  bệnh miễn phí cho nhiều người dân.

Nằm trong một ngõ nhỏ, căn nhà của bà Võ Thị Lệ có khá nhiều người đến nhờ bà khám, chữa bệnh mỗi ngày. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết bà Lệ sinh ra và lớn lên ở quê hương Hà Tĩnh. Tháng 11-1972,  khi mới 17 tuổi, bà đã nhập ngũ ở đơn vị 22B (tỉnh Hà Tĩnh). Học xong lớp đào tạo y tá ngắn hạn, năm 1973, bà được bổ sung vào Đội điều trị 43 (tỉnh Quảng Trị) để phục vụ, cứu chữa các chiến sĩ bị thương ở chiến trường miền Nam. Kết thúc chiến tranh, năm 1980, bà được điều về công tác tại Cục Kỹ thuật - Quân khu 4 (tỉnh Nghệ An). Đến năm 1983, sau khi tốt nghiệp y sĩ và dược sĩ đông y, bà đã không ngừng phấn đấu, trau dồi các kỹ năng, kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Vì thế bà nhanh chóng khẳng định được năng lực của bản thân và được mọi người tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban quân y, Cục Kỹ thuật - Quân khu 4. Với sự nỗ lực, cùng sự tin yêu, giúp đỡ của đồng nghiệp, bà đã vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.  

 

Sau nhiều năm công tác, đến năm 1991, bà Lệ về nghỉ chế độ và cùng gia đình sinh sống ở xã Vinh Sơn. Bà tâm sự: “Khi đấy xã Vinh Sơn còn nhiều khó khăn, y tế xã chưa phát triển, trạm xá lại ở xa, nhìn thấy người dân bị bệnh phải chạy chữa vất vả, tốn kém nên tôi muốn được giúp đỡ bà con, chòm xóm. Cũng vì yêu nghề nên tôi không ngại đường xa, mưa nắng đến tận nhà khám chữa bệnh miễn phí cho người dân”.

 

 Bà Lệ cho chúng tôi xem sổ theo dõi sức khỏe có ghi tên và địa chỉ của người bệnh. Trong sổ có những em bé sơ sinh, người già với các bệnh khác nhau, nhẹ thì bị cảm sốt nhưng cũng có những người mắc bệnh nan y, thậm chí có những ca cấp cứu bà phải kịp thời sơ cứu trước khi hướng dẫn gia đình chuyển đi tuyến trên. Tiếng lành đồn xa, người dân tìm đến bà để chữa bệnh ngày một đông. Những người đến đây không chỉ cảm kích trước tấm lòng của Đại úy Võ Thị Lệ mà còn đánh giá cao về khả năng chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt của bà. Trong đó có cả những người đã ngoài 90 tuổi như trường hợp của bà Dương Thị Thảo (sinh năm 1920, xã Vinh Sơn). Sau khi được châm cứu và kê đơn thuốc, bà Thảo vui vẻ nói: “Tôi bị viêm khớp gối mãn tính đã hơn 3 năm, mỗi khi trái gió trở trời, hai khớp gối lại sưng phù, đau nhức. Nhưng chỉ cần bà Lệ châm cứu, kê thuốc uống 2 - 3 ngày là cơn đau thuyên giảm. Bà không bao giờ lấy tiền chữa bệnh, bệnh nhân nào nài nỉ lắm thì bà chỉ nhận gói quà, hộp bánh cho họ vui”.  

 

Trong số những người được bà Lệ chữa khỏi bệnh đến để cảm ơn, chúng tôi còn được gặp ông Nguyễn Mạnh Khải (sinh năm 1954, ở phường Thắng Lợi, T.P Sông Bàng) bị liệt toàn thân do di chứng của tai biến cách đây mười năm kể lại: “Ngày đó chưa có cầu treo Vinh Sơn nên chị Lệ phải đạp xe 5 cây số và đi đò qua sông, mùa đông nước sông cạn phải dắt xe lội qua để đến châm cứu, tiêm và kê thuốc uống cho tôi. Hơn 2 năm nhờ điều trị, cơ thể tôi đã được phục hồi và có thể tự bước đi trên đôi chân của mình”.   

 

Không chỉ giúp đỡ bà con khám chữa bệnh, bà Lệ còn là tấm gương sáng trong công tác ở xã Vinh Sơn. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã, mỗi công việc đảm nhận, bà luôn tận tụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những đóng góp trong suốt những năm qua, bà Lệ được tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; Bằng khen của UBND tỉnh - chiến sĩ có thời gian tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ cứu nước; và nhiều Giấy khen có thành tích trong hoạt động Hội Cựu chiến binh. Những thành tích đó đã minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của nữ quân y tận tụy với công việc, Đại úy Võ Thị Lệ xứng đáng là một tấm gương để mọi người học tập và noi theo.