Kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm

Nhị Hà 10:20, 16/05/2023

Triển khai Thông tư liên tịch năm 2017 về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình về tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, viện kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp của tỉnh Thái Nguyên đã chủ động nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả để công tác kiểm sát đảm bảo khách quan, chặt chẽ.

Lãnh đạo VKSND tỉnh định hướng một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát nguồn tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố tại VKSND TP. Thái Nguyên.
Lãnh đạo VKSND tỉnh định hướng một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát nguồn tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố tại VKSND TP. Thái Nguyên.

Trong số các địa phương của tỉnh, TP. Thái Nguyên là địa bàn phức tạp về các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, nhóm tội phạm về ma túy và xâm phạm sở hữu có xu hướng gia tăng.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2017-2022, tổng số có 5.804 nguồn tin tội phạm được tiếp nhận, phân loại; 5.734 tin đã giải quyết. Để kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm của cơ quan điều tra, VKSND thành phố đã phân công kiểm sát viên trực nghiệp vụ 24/24 giờ; kịp thời trao đổi, thống nhất giải quyết vướng mắc trong các thao tác nghiệp vụ; phối hợp phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm đúng hạn, đúng luật định; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn trong việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ.

Bà Vũ Thị Bích Hường, Viện trưởng VKSND TP. Thái Nguyên, cho biết: Chúng tôi yêu cầu kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt những tình tiết phát sinh; chủ động phối hợp với cơ quan điều tra đấu tranh làm rõ vụ việc có hay không có hành vi phạm tội để từ đó đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, không để tin báo quá hạn gây bức xúc trong nhân dân. Tỷ lệ giải quyết tin báo đúng thời hạn đạt 100%.

Đối với TP. Sông Công, VKSND thành phố đã xây dựng quy chế phối hợp; hằng tuần, hằng tháng và hằng quý, lãnh đạo VKSND làm việc với cơ quan điều tra để nắm chắc số lượng tin báo, tố giác tội phạm và rà soát tin báo quá hạn nhằm đề ra biện pháp khắc phục. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các kiểm sát viên cũng chủ động yêu cầu xác minh bằng văn bản tất cả tin báo đã thụ lý giải quyết. Nhờ vậy, 5 trở lại đây chưa có vụ án nào Viện Kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố của cơ quan điều tra cùng cấp; không có vụ nào quá thời hạn giải quyết.

Ông Trần Vũ Sơn, Viện trưởng VKSND TP. Sông Công, chia sẻ kinh nghiệm: Chúng tôi phối hợp để kiểm tra tất cả 10/10 đơn vị công an xã, phường trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tập trung hướng dẫn một số kỹ năng về tiếp nhận, xử lý nguồn tin và hướng khắc phục một số hạn chế.

Theo đánh giá, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên được thực hiện chặt chẽ, gắn chặt với hoạt động điều tra.

Trong năm 2022, VKSND 2 cấp của tỉnh đã trực tiếp kiểm sát 18 cuộc; kiểm tra, xác minh việc thụ lý, chuyển tin báo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an cấp xã 178 cuộc; đảm bảo tỷ lệ giải quyết tin báo đúng thời hạn đạt 100%; kịp thời phát hiện những vi phạm trong hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm và ban hành 20 kiến nghị khắc phục vi phạm (100% kiến nghị được chấp nhận, tiếp thu).

Thời điểm này, VKSND cấp huyện trong tỉnh đang chủ trì tổ chức sơ kết việc phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố. Bên cạnh đánh giá kết quả đạt được, các đơn vị tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và giải pháp, kiến nghị để khắc phục.

Ông Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, nhấn mạnh: Để nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, VKSND 2 cấp của tỉnh tiếp tục nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp; chú trọng nắm bắt, quản lý thông tin về tình hình tội phạm, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng như kiểm tra việc thực hiện công tác này để đảm bảo thời hạn, sự tuân thủ pháp luật; mở rộng việc nắm nguồn tin từ cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và từ cơ sở. Đồng thời tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, tập huấn và bố trí sắp xếp kiểm sát viên, kiểm tra viên phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công việc.