Tòa án nhân dân TP. Sông Công: Tăng hòa giải, giảm xét xử

Hải Hằng 09:52, 20/03/2024

Thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Tòa án nhân dân TP. Sông Công đã hòa giải thành nhiều vụ việc, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.

Cán bộ Tòa án nhân dân TP. Sông Công trao đổi, xem xét các vụ việc đưa ra hòa giải.
Cán bộ Tòa án nhân dân TP. Sông Công trao đổi, xem xét các vụ việc đưa ra hòa giải.

Tháng 2-2023, anh Phùng Duy T. có đơn khởi kiện vợ chồng ông Trần Đức M. và bà Trần Thị T. về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất gửi Tòa án nhân dân TP. Sông Công.

Theo đơn, năm 2021, anh T. nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông M., bà T. thửa đất có diện tích 1.000m2, trong đó đất ở đô thị là 300m2, đất trồng cây lâu năm là 700m2, với giá chuyển nhượng 1.010.000.000 đồng. Đến năm 2023 xảy ra tranh chấp.

Sau khi xem xét, Tòa chuyển cho hòa giải viên để tiến hành hòa giải. Quá trình hòa giải vụ việc tại Tòa án đã được tiến hành theo quy định, trên tinh thần chủ động và tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên, không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc trốn tránh nghĩa vụ đối với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Sau khi hòa giải, các bên đã nhất trí kết quả hòa giải: Anh Phùng Duy T. được quyền sử dụng diện tích 1.000m2 đã nhận chuyển nhượng theo hợp đồng. Còn vợ chồng ông Trần Đức M. và bà Trần Thị T. tự nguyện trả lại phần đất có diện tích là 193m2 (đất trồng cây lâu năm) để làm đường đi.

Đó chỉ là một trong nhiều vụ việc mà Tòa án nhân dân TP. Sông Công đã thực hiện hòa giải thành công mà không cần tổ chức phiên tòa xét xử. Sau khi có Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Tòa án nhân dân TP. Sông Công đã tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức cũng như người dân. Đồng thời chỉ đạo việc tiếp nhận, xử lý các đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Khi tiếp nhận đơn của công dân, Tòa sẽ tuyên truyền, nói rõ những ưu điểm của việc giải quyết vụ việc theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, như: Thời gian giải quyết ngắn, hạn chế việc đi lại, tiết kiệm chi phí, không phải trải qua quy trình tố tụng chặt chẽ như thực hiện tại tòa… Nếu công dân đồng ý, Tòa sẽ chuyển hồ sơ sang hòa giải viên để giải quyết vụ việc theo quy định.

Để đạt được hiệu quả trong quá trình hòa giải, Tòa đã lựa chọn những người có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm để bổ nhiệm làm hòa giải viên. Sau khi bổ nhiệm, Tòa tạo điều kiện để các hòa giải viên được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc hòa giải.

Ông Đào Ngọc Hài, Chánh án Tòa án nhân dân TP. Sông Công, cho biết: Năm 2023, đơn vị đã chuyển 92 đơn khởi kiện sang hòa giải, đối thoại tại Tòa. Kết quả, có 16 vụ việc được hòa giải thành công, còn lại 53 vụ việc hòa giải không thành được chuyển sang giải quyết theo thủ tục tố tụng, đương sự rút đơn 5 vụ, số còn lại đang giải quyết. Những vụ việc hòa giải thành công phần lớn liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất, hôn nhân gia đình. 

Sau khi được hòa giải viên phân tích, các bên đã hiểu rõ hơn sự việc, có thêm điều kiện đối thoại để hiểu nhau hơn, vì thế, nhiều tranh chấp đã được giải quyết, mâu thuẫn được tháo gỡ sau hòa giải. Ngoài ra, việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí của Nhà nước và nhân dân, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, mà tòa án còn giảm tải áp lực đối với các thẩm phán, giúp giải quyết khối lượng lớn công việc trong bối cảnh tranh chấp, khiếu kiện ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp.