Để việc xét xử các vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử án hình sự. Điều này cũng góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử án hình sự của ngành Tòa án tỉnh Thái Nguyên. |
Tính từ ngày 1-10-2021 đến hết 30-9-2022, TAND hai cấp của tỉnh thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.515 vụ án hình sự, với 2.288 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 1.495 vụ, với 2.237 bị cáo, đạt tỷ lệ 99%. Đồng thời giải quyết, xét xử theo thủ tục phúc thẩm 142/142 vụ.
Các vụ án xét xử đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng theo hướng thực chất, đảm bảo cho bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác thực hiện các quyền đúng quy định pháp luật.
Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi và nhân thân người phạm tội; khoan hồng đối với người phạm tội lần dầu, ít nghiêm trọng, ăn năn hối cải.
Để có kết quả trên, TAND tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, chương trình công tác trọng tâm của năm. Xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thẩm phán trong giải quyết các vụ án hình sự; duy trì giao ban nghiệp vụ để nắm bắt tiến độ xét xử, cho ý kiến chỉ đạo giải quyết đối với những vụ án khó, phức tạp.
Ông Đặng Minh Tuân, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh, cho biết: Một trong những yếu tố quyết định chất lượng xét xử là con người. Do vậy, mỗi thẩm phẩm đều có ý thức tự học tập nâng cao trình độ, đầu tư thời gian nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án; chuẩn bị nội dung xét hỏi một cách khoa học. Trong quá trình giải quyết một số vụ án hình sự, TAND trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khi có bị cáo kêu bị oan hoặc có dấu hiệu sai sót trong quá trình đánh giá chứng cứ, bỏ lọt tội phạm. TAND cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp xây dựng quy chế phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án hình sự.
Điểm nhấn đáng chú ý trong công tác xét xử án hình sự của TAND hai cấp tỉnh Thái Nguyên là các vụ án trọng điểm, phức tạp được dư luận quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời.
Trong năm 2022, ngành Tòa án của tỉnh đã tổ chức xét xử lưu động 90 vụ án hình sự và 30 vụ án trọng điểm, với các tội danh như: Giết người, cố ý gây thương tích, mua bán trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, mua bán người… tại địa phương xảy ra vụ án và các địa bàn trọng điểm về tội phạm.
Các phiên tòa xét xử lưu động đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Cùng với đó, TAND hai cấp của tỉnh cũng tổ chức 219 phiên tòa rút kinh nghiệm, 67 phiên tòa số hóa hồ sơ, tài liệu chứng cứ và 35 phiên tòa trực tuyến, với 59 vụ án.
Đại diện lãnh đạo TAND tỉnh đánh giá: Việc tăng cường các phiên tòa rút kinh nghiệm chính là một hình thức tự đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng điều hành phiên tòa cho đội ngũ thẩm phán; kỹ năng xét hỏi, tranh tụng cho kiểm sát viên. Trong khi đó, các phiên tòa số hóa và trực tuyến cũng góp phần nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo yêu cầu của cải cách tư pháp. Các nội dung đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận được tăng cường, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân.
Theo đánh giá, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh thời gian tới có chiều hướng diễn biến phức tạp. Do đó, ngành Tòa án Thái Nguyên xác định tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân; tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình hoàn thiện chứng cứ, hồ sơ vụ án hình sự; tổ chức rút kinh nghiệm với các vụ án huỷ, sửa; xây dựng chuyên đề tháo gỡ khó khăn trong xét xử án hình sự.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin