Tôi ấn tượng với người phụ nữ giản dị, giọng nói trầm ấm và đôi mắt biết cười, càng ấn tượng hơn khi nghe chị chia sẻ về cái tâm của người làm chè: Sản xuất, chế biến chè an toàn, tạo cảnh quan đẹp cho mình, từ đó mới mang lại sự tin tưởng, an toàn cho người tiêu dùng. Mục đích tôi hướng tới là người làm chè phải hạnh phúc và lan tỏa niềm hạnh phúc ấy tới người tiêu dùng. Chị là Tống Thị Xuyến, Trưởng Làng nghề chè truyền thống xóm Trung Thành 2, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh, Phú Lương.
Chị Xuyến bên sản phẩm chè OCOP của HTX chè Hoan Xuyến. |
Thay đổi nhận thức cho người dân làng nghề
Gắn bó với cây chè từ nhỏ nên chị Xuyến có niềm đam mê với nghề làm chè. Năm 2014 là bước ngoặt trong nghề chè của chị khi xóm Trung Thành 2 được UBND tỉnh công nhận Làng nghề truyền thống, chị được giao trách nhiệm Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè xóm Trung Thành 2.
“Là vùng chè nổi tiếng của Phú Lương và của tỉnh, nhưng trước đây người dân Vô Tranh sản xuất chè chỉ mang ra chợ bán ra nên hay bị tư thương ép giá. Vì thế, tôi nuôi ý tưởng xây dựng thương hiệu chè quê hương, cùng các hộ dân trong xóm sản xuất ra sản phẩm chè chất lượng và mang lại thu nhập khá cho người dân” - chị Xuyến chia sẻ.
Quá trình làm chè, chị nhận thấy, người dân nơi đây quen lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi tham gia các khoá học sản xuất chè an toàn, chị đã phân tích cho người dân để họ hiểu nếu dùng nhiều thuốc bảo vật thực vật, người đầu tiên chịu ảnh hưởng chính là họ. Và chị đã tiên phong sản xuất chè an toàn.
Nói là làm, năm 2017, chị thành lập Tổ sản xuất chè VietGAP, bước đầu gây dựng thương hiệu chè quê hương. Sau một thời gian, qua truyên truyền của chị Xuyến, nhận thấy sự nguy hại đến sức khỏe khi lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, người dân dần chuyển sang dùng các loại chế phẩm sinh học và phân hữu cơ chăm sóc chè.
Làm chè sạch, người dân có thu nhập cao hơn. Từng bước, từng bước, dưới sự dẫn dắt của Trưởng Làng nghề, diện tích chè Trung Thành 2 với 30ha chè kinh doanh đã có 15ha được chứng nhận VietGAP, được đăng ký mã số vùng trồng 7ha, diện tích đang hướng tới hữu cơ là 5ha.
Làng nghề có gần 100 hộ sản xuất, chế biến chè, đảm bảo cho hàng trăm lao động có thu nhập khá. Cây chè vẫn được người dân trồng xen canh, là một yếu tố thuận lợi để mọi người chung tay bảo vệ môi trường sống của mình.
Nhiều người dân trong Làng nghề bắt tay vào sản xuất chè sạch luôn biết ơn chị Xuyến. Ông Chu Quang Dũng, xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh, là một trong số đó. Từ sự động viên, khuyến khích của Trưởng Làng nghề, ông đã tham gia vào Tổ liên kết làm chè an toàn VietGAP từ ngày đầu mới thành lập. Ông cười nói giản dị: Tôi thấy chị Xuyến là người tâm huyết với chè, luôn tích cực vận động nhân dân sản xuất, chế biến chè an toàn cũng như xây dựng, quảng bá thương hiệu chè của Làng nghề.
Xây dựng và quảng bá thương hiệu chè an toàn
Nắm bắt nhu cầu của thị trường và để mở rộng sản xuất, phát triển thương hiệu, năm 2020, nữ “thuyền trưởng” Tống Thị Xuyến đứng ra thành lập HTX chè an toàn Hoan Xuyến với vai trò Giám đốc (lúc này chị vẫn kiêm Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè xóm Trung Thành 2).
Chị bảo: Tôi thành lập HTX và bao tiêu sản phẩm chè của các hộ dân, để thuận lợi thực hiện các đề án hỗ trợ chế biến, bảo quản chè, đồng thời liên kết với các hộ dân làm chè sạch, mong muốn làm ra những sản phẩm chè an toàn. Đến nay, 50% người dân làm chè trong xóm đã tham gia HTX, có nguồn thu ổn định từ chè.
Nhờ sự dẫn dắt của chị Xuyến, đến nay 50% người dân làm chè trong xóm đã tham gia HTX. |
Ngoài sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu của xóm Trung Thành 2, HTX cũng liên kết sản xuất theo chuỗi với các làng nghề chè khác của xã Vô Tranh như: Trung Thành 1, Toàn Thắng, Liên Hồng 8, Tân Bình, Bình Long. Dù trên thị trường có nhiều sản phẩm chè khác nhau, song hiện nay chị Xuyến tự tin các loại chè của HTX chinh phục người tiêu dùng ở cái tâm của người làm chè. HTX đã có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.
Bên cạnh sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hiệp hội Làng nghề tỉnh, của UBND huyện Phú Lương về tôn quay, máy vò bằng Inox, người dân Làng nghề đã đối ứng xây dựng các khu chế biến tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời tích cực quảng bá, giới thiệu, xây dựng tem nhãn và thương hiệu chè an toàn.
Tôi nhớ lại trong Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương lần thứ nhất và thứ hai năm 2017 và 2019, Trung Thành 2 đều vinh dự được xướng tên là làng nghề tiêu biểu xuất sắc. Vinh dự hơn khi năm 2018, Làng nghề được phong tặng danh hiệu Đơn vị kinh tế, du lịch làng nghề; năm 2019 tiếp tục được vinh danh Làng nghề chè Việt Nam tiêu biểu do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam bầu chọn. Giá bán chè khô và các loại chè đinh, chè nõn đặc sản cũng từ đó cao hơn nhiều so với trước.
Cùng chị Xuyến đi giữa những vạt chè xanh mướt, tôi miên man nghĩ: Đất và nghề cũng không phụ người, mỗi tháng, thu nhập của những người làm chè Trung Thành 2 không dưới 10 triệu đồng. Sản xuất chè an toàn giúp người dân có cuộc sống đủ đầy, cùng hưởng môi trường sinh thái trong lành. Từng bãi chè không chỉ là nguồn sống mà còn chứa đựng trong đó niềm hạnh phúc kết nối các thế hệ để lưu truyền và gìn giữ, phát huy nghề làm chè lâu năm nơi đây. Trong sự phát triển của Làng nghề, ai cũng hiểu có sự đóng góp không nhỏ của chị Tống Thị Xuyến.
Ước mơ vươn tới những tầm cao
Cuối năm 2022, niềm vui lớn đến với chị Tống Thị Xuyến khi chị được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề”. Chị đã trở thành người phụ nữ đầu tiên của huyện Phú Lương được công nhận danh hiệu này.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Bí thư Chi bộ xóm Trung Thành 2, tự hào nói: Chúng tôi rất mừng khi chị Xuyến được công nhận là Nghệ nhân làng nghề chè. Danh hiệu này rất xứng đáng bởi những năm qua chị Xuyến là người tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu Làng nghề. Chúng tôi hy vọng chị sẽ tiếp tục phát huy vai trò là đầu tàu dẫn dắt, đưa thương hiệu chè Trung Thành 2 ngày càng bay xa hơn nữa.
Chị Xuyến cười hạnh phúc: Khi được công nhận nghệ nhân, tôi vui mừng nhưng cũng thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề cũng như xây dựng thương hiệu chè quê hương phát triển hơn nữa. Thời gian vừa qua, tôi cũng động viên người dân trồng hoa, cây cảnh, làm mô hình vườn chè hình trái tim, tạo cảnh quan đẹp, xây dựng những không gian thưởng trà, trưng bày sản phẩm độc đáo để có thể phát triển du lịch cộng đồng…
Nghe những gì chị và các thành viên Làng nghề, HTX chè Hoan Xuyến chia sẻ, tôi mỉm cười vui lây. Tin tưởng rằng không xa nữa, nơi đây sẽ được đầu tư đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với cây chè. Nhưng trước tiên, người dân nơi đây có thể tự hào về một làng quê đáng sống, sạch, đẹp và ấm no.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin