Bến Tượng - huyền sử và giả thiết

Hữu Minh 11:04, 08/01/2023

Lần ấy, Y Nang Êban, người dân tộc Ê Đê, Phó Giám đốc Đài PT-TH Đắc Lắc, ra Hà Nội chấm giải Liên hoan Truyền hình toàn quốc ở Tiểu ban Tiếng dân tộc cùng với tôi, được ngày nghỉ tôi mời lên Thái Nguyên chơi. Tôi đưa anh ấy vào tham quan chợ Thái, xuống cả Bến Tượng ngắm Sông Cầu… Y Nang bảo: Ở đây cũng có bến voi ư? Cứ tưởng chỉ có ở Tây Nguyên? Tôi bảo không biết. Y Nang nói: Không phải tự nhiên mà có tên gọi Bến Tượng đâu? Có vậy, nhưng cũng thôi thúc tôi tìm hiểu…

Cầu Bến Tượng - Ảnh: mythainguyen.vn
Cầu Bến Tượng - Ảnh: mythainguyen.vn

Hôm vào Đắc Lắc, Y Nang đưa chúng tôi đi Buôn Đôn, gặp bằng được nài voi nào (người thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà và nuôi nấng, điều khiển voi) có tuổi đời cao một chút. Chúng tôi được gặp một nài voi có tên Y Mức Byă. Nhà Y Mức trước kia cũng có voi nên ông được cha truyền nghề thuần dưỡng voi từ nhỏ. Chuyện bẫy voi rừng, thuần dưỡng để thành voi nhà công phu và huyền bí do Y Mức kể (tôi xin nói ở một dịp khác)…

Năm 1998, Y Mức vào làm nhân viên Vườn quốc gia Yok Đôn chuyên chăm sóc voi, mỗi con voi có tính cách, sở thích riêng. Nài voi Y Mức đều huấn luyện được. Mấy chục năm gắn bó với nghề, Y Mức thông hiểu cả lịch sử thăng trầm của loài voi, nghe tôi nói chuyện địa danh Bến Tượng ngoài Thái Nguyên, Y mức bảo đó là bến tắm của voi đàn, nhưng không phải voi đàn hoang dã mà voi chiến, voi thuộc quản lý của con người...

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên, là người cũng để tâm tìm hiểu về cái tên “Bến Tượng” và những địa danh khác xung quanh vùng lõi của thành phố Thái Nguyên như Bến Tuần, Phù Liễn...  Riêng địa danh Tượng (voi), ngoài Bến nước thoai thoải xuống mặt nước sông Cầu, anh cũng đã thống kê được một số tên công trình, địa danh như: Ngầm Bến Tượng, cầu treo Bến Tượng, đường Bến Tượng và bây giờ thêm “Cầu Bến Tượng” bằng bê tông cốt thép, to, rộng, đủ thấy nơi này đầy ắp ký ức và dấu ấn...

Truyền thuyết dân gian hay huyền sử xa xưa; hay những ghi chép có trong các thư tịch về Bến Tượng cho đến hôm nay vẫn chỉ là giả thuyết, mà giả thuyết ấy chỉ xoay quanh lịch sử ra đời và hình thành tên gọi. Còn vai trò, sự đóng góp cả về tự vệ quốc phòng, kinh tế, văn hoá và lịch sử còn bỏ ngỏ.

Đơn cử như ngầm Bến Tượng trong kháng chiến, trong chống chiến tranh phá hoại của Mỹ hay ngầm thay thế cầu Gia Bẩy khi sửa chữa... đóng góp của ngầm lớn lắm. Kiến trúc sư Cường trong quá trình tìm hiểu điền dã đã nghe kể lại rằng: Cái tên Bến Tượng có từ thời Hai Bà Trưng. Rằng, bến nước nơi đây là nơi đàn voi trận dừng chân uống nước trên đường đi chống giặc Đông Hán phương Bắc.

Có giả thuyết nơi đây là bến sông voi tắm từ thời nhà Trần. Qua chính sử và huyền sử, tôi thấy giả thiết thứ nhất hợp lý. Theo nghiên cứu về Cuộc khởi nghĩa  Hai Bà Trưng năm 40 của Nguyễn Khắc Xương và nhà sử học Lê Văn Lan thì trong Cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc, Trưng Nhị năm 40, vùng Động Hỷ (Đồng Hỷ), Vũ Nhai (Võ Nhai) có nữ tù trưởng Hồ Đề, lãnh chúa của 70 động (dạng như thôn trang), nghe tin Trưng Trắc dấy binh đã tập hợp hơn 40 thớt voi chiến cùng Nài voi, quản tượng và hàng vạn hộc lương thảo hội quân. Chiến thắng, Hồ Đề được phong nguyên soái, cử làm phó tướng tiên phong. Vậy thì có một bến cho hàng chục voi chiến uống nước, tắm táp, luyện tập thuỷ chiến, nghỉ ngơi thì quả là đương nhiên...

Trong khi tìm hiểu, từ chính sử chúng tôi được biết vùng Thái Nguyên xưa rất nhiều voi, có cả sơn trại nuôi voi, thuần dưỡng voi cung cấp cho triều đình và bảo vệ biên ải.

Sách chép: Vùng đất tả ngạn sông Phú Lương (tên gọi khác của sông Cầu) bao gồm các làng, xã: Đồng Bẩm, Cao Ngạn, Linh Sơn, Hoá Thượng... rừng già rậm rạp, cây cỏ um tùm, dồi dào thức ăn... đã được khoanh vùng thành trạm, trại để nuôi voi, thuần dưỡng voi rừng thành voi chiến, voi nhà. Núi voi ngày nay ta vẫn thấy chính là “Linh vật” bảo vệ cho nơi nuôi voi là vậy. Trong các trại nuôi voi có nài voi, quản tượng, tượng binh (lính canh voi).

Huyền thoại kể rằng: Hàng ngày, sau tập luyện, đàn voi lại được các tượng binh lùa xuống sông ở Bến Tượng, Bến Tuần (Đồng Mỗ) tắm táp thoả thuê...

Chính sử chép: Năm Hồng Đức 23 (1492), nhà Vua cho lập Thái Nguyên thuần tượng vệ và thôi bổ chức Thái Nguyên đô ty cai quản, cũng là hành động coi trọng phát triển đàn voi chiến... Kết quả bẫy, thuần dưỡng và huấn luyệt voi ở Thái Nguyên rất tốt, cũng xuất hiện việc ăn trộm voi. Sử chép: Năm Ất Mùi (1595), bọn Xuân Sơn Hầu (của Nguỵ Mạc) bắt trộm một chú voi của Nhà nước đưa lên Châu Cảm Hoá. Chúa Trịnh Tùng liền sai Chỉ huy sứ Trung Tín Hầu cùng Lê Thế Quý, Tổng binh Thái Nguyên đem quân lên Châu Cảm Hoá bắt bọn Nguỵ Mạc Trịnh Kính Dung trả voi và 10 con ngựa.... Năm Đinh Dậu (1597), quân Ngụy Mạc một lần nữa lại cho trộm voi ở trại Thái Nguyên, quân Trịnh Tùng truy bắt và lấy lại được voi...

Như vậy, vùng thuần hoá và nuôi dưỡng voi Thái Nguyên tồn tại khoảng 100 năm. Một thế kỷ ấy, nơi này đã nuôi được bao nhiêu voi chiến, voi vận tải. Có “ông” voi nào có mặt trong trận chiến đại phá 20 vạn quân Thanh của Quang Trung Nguyễn Huệ hay không...? Những nài voi nào có công được ban thưởng?...

Tóm lại, cùng với Phù Liễn (con rể vua); Phủ Liễn (nơi con rể vua ở), Quán Triều (nơi quan triều đình ở) và Bến Tượng nằm bên bờ con sông Cầu thơ mộng ôm ấp trong chính cái tên cả một miền ký ức rất đỗi lung linh...

Bến Tượng trước kia là nơi thu hút nhiều thương nhân nổi tiếng. Không ai quên được khói thuốc lào đậm đà của hàng ông Hải, người Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông còn đem thuốc lào lên tận các vùng xa xôi hẻo lánh xa hơn chợ Bến Tượng. Người sành ăn mọi miền không quên bánh đa nem bà Khôi vừa mỏng, vừa dẻo, dai, vừa có độ đậm. Khi gói nem rán không thể chê vào đâu được. Ngày sắp Tết, khắp nơi về Bến Tượng tìm mua bánh đa nem bà Khôi. Những ngày trước rằm, mồng một ai ai cũng tìm mua mấy bó hương thơm của nhà ông Tác (Đồng Mỗ). Hương nhà ông làm không những thơm ngát mà tàn của nó còn đậu, xoắn lại trên bát hương thật là huyền diệu.

Sáng 21/11/2022, tôi trở lại Bến Tượng xưa. Bến không còn dấu tích. Ở vị trí Bến và ngầm Bến Tượng xưa, nay nằm dưới gầm cây cầu vượt sông khánh thành ngày 21/12/2018, đánh dấu một bước chuyển mình của hạ tầng thành phố Thái Nguyên. Dưới gầm cầu nhưng đất còn thoáng, rộng. Nếu lãnh đạo thành phố cho dựng ở đây một tấm bia (nhỏ thôi cũng được) kể chuyện Bến Tượng xưa? Cùng với việc gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo những ký ức: Đền Mẫu thoải, cảng Bến than, Bia tưởng niệm chiến sĩ bảo vệ cầu Gia Bẩy, đồi Công sứ, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Quảng trường Võ Nguyên Giáp, đình Hàng Phố, trại lính Khố Xanh... Cầu treo Bến Tượng thì bản sắc thành phố Thái Nguyên sẽ phong phú và riêng có.

Tôi điện cho Y Nang Êban, bây giờ là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Đắc Lắc kể những khám phá về thuần dưỡng voi, về Bến Tượng của Thái Nguyên bốn, năm trăm năm trước, anh mừng lắm.