Một ngày với ẩm thực trà Phú Đô

Linh Lan 10:19, 18/12/2022

Giữa Đông trời rét ngọt, xen chút mưa phùn lây rây khiến ai cũng ngại phải đi ra đường. Song vì không muốn lỡ hẹn với lễ hội trà, nhất là Cuộc thi ẩm thực từ trà, một ngày đầu tháng 12, chúng tôi rời TP. Thái Nguyên từ sớm để ngược lên xã Phú Đô (Phú Lương).

Nhiều món ăn độc đáo từ lá chè và bột trà xanh được các đội thi tạo ra, mang hương vị thơm ngon.
Nhiều món ăn độc đáo từ lá chè và bột trà xanh được các đội thi tạo ra, mang hương vị thơm ngon.

Không chỉ là ẩm thực

Tại sân Trung tâm văn hóa xã, từ sớm, người dân đi trảy hội rất đông. 14 đội thi đến từ các xóm, mỗi đội có 3 thành viên với trang phục đủ sắc màu của các dân tộc cũng đã sẵn sàng nguyên liệu và dụng cụ để bước vào phần thi. Tham gia Cuộc thi ẩm thực lần này, mỗi đội có 3 thành viên, lựa chọn chế biến 2 món ăn, điều quan trọng đây phải là món ăn làm từ nguyên liệu chè xanh.

Chúng tôi có mặt ở khu vực đội thi xóm Pháng 2, nghe chị Trương Thị Huệ vừa nhanh tay lấy xôi bày ra đĩa vừa giới thiệu: Đội xóm Pháng 2 mang tới Cuộc thi món xôi được chế biến từ bột trà xanh. Món xôi được tạo hình búp chè non, như biểu tượng sản phẩm chè của xã Phú Đô, với sức sống mãnh liệt không ngừng vươn lên. Búp chè non cũng là ẩn dụ hình ảnh người dân địa phương nỗ lực vượt qua bao khó khăn, trở ngại để làm nên những búp chè non, hương vị đậm đà.

Nhẩn nha dạo quanh một vòng tham quan các đội thi, tôi thầm nghĩ, người nông dân nơi đây vừa chăm chỉ, thật thà, chất phác vừa thông minh, khéo léo. Từ những lá trà xanh, mọi người đã biến tấu thành rất nhiều món ăn gắn với đặc trưng bản địa, vừa đủ dinh dưỡng, vừa hấp dẫn thực khách các lứa tuổi như: Tôm rang búp trà non, gà hấp trà xanh, chè lam trà xanh ngọt thanh, kẹo lạc giòn có vị bột lá trà già phơi khô tán mịn, xôi cốt dừa bột lá trà bánh tẻ phơi khô tán mịn, thịt, cá kho lá trà, bánh bao trà xanh, trà sữa thạch trà xanh…

Cái hay, cái lạ và đặc biệt ở mỗi món ăn khi chế biến từ nguyên liệu trà xanh là màu sắc bắt mắt, vị thơm mát quện nơi đầu lưỡi khi ta nếm, có cảm giác thật thú vị, làm hài lòng ngay cả những người khó tính nhất.

Tôi ấn tượng với món bánh trôi ngũ sắc với màu sắc rất hấp dẫn và có vị riêng biệt của đội thi xóm Phú Nam mới. Những viên bánh trôi được khoác thêm một màu trà xanh mướt mắt, khác hẳn với màu trắng thông thường. Hay món bánh bao trà xanh của đội thi xóm Ao Cống cũng được nhiều du khách thích thú. Ngoài vị thơm ngon, màu sắc khác lạ với bánh bao thông thường, mọi người chú ý đến những hình hoa văn độc đáo trên mặt bánh.

Chị Hoàng Thị Đức, xóm Ao Cống, chia sẻ với các du khách: Chúng tôi in hoa văn hoa ớt, biểu trưng của dân tộc Sán Chay lên mặt bánh, mong muốn quảng bá sản phẩm chè Phú Đô gắn liền với nét đặc trưng độc đáo của dân tộc mình.

Nghe những chia sẻ của chị Đức, tôi thấy yêu hơn những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, giờ lại trở thành những đầu bếp thực thụ. Tôi cảm nhận được, họ nấu ăn không chỉ bằng tài năng khéo léo mà còn cả trái tim yêu thương. Đó là tình yêu quê hương, yêu vùng chè nguyên liệu Phú Đô, mong muốn thương hiệu trà địa phương ngày càng bay xa hơn nữa.

Góp phần lan tỏa, quảng bá thương hiệu chè quê hương

Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn trao giải Ẩm thực từ trà với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 8 giải Khuyến khích. Bên lề Cuộc thi, bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Không đơn thuần là thức uống phổ biến và lâu đời của người Việt, chè xanh còn là một gia vị, một món ăn đặc biệt trong đời sống hàng ngày hiện nay. Có rất nhiều món ăn độc đáo từ lá chè và bột trà xanh, lá trà xanh, tạo ra mang hương vị thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Vì thế, để quảng bá vùng nguyên liệu chè xanh Phú Đô, cùng với lễ hội trà, chúng tôi tổ chức Cuộc thi ẩm thực từ trà. Thật bất ngờ và khó khăn cho Ban Tổ chức khi chấm điểm các phần thi của 14 xóm bởi đội thi nào cũng sáng tạo trong lựa chọn, chế biến, trình bày và thuyết trình về sản phẩm. Thời gian tới chúng tôi mong muốn tiếp tục được quan tâm, hàng năm tổ chức được sự kiện này. Qua đó từng bước xây dựng thương hiệu chè Phú Đô, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chế biến từ chè trên địa bàn.

Được biết, sau Cuộc thi, xã cân nhắc lựa chọn được một số sản phẩm có thể định hướng kinh doanh, hướng tới phát triển du lịch nông nghiệp có ẩm thực phong phú tại địa phương như: Kẹo lạc trà xanh, bánh trà lam trà xanh cùng với một số món bánh và sản phẩm thịt lợn sấy khô, lạp sườn hun khói.

Món xôi trà xanh được nhiều đội lựa chọn trong phần thi ẩm thực từ trà.
Món xôi trà xanh được nhiều đội lựa chọn trong phần thi ẩm thực từ trà.

Tôi chợt nhớ đến những tâm sự của một số người dân tham gia các gian hàng ở hội chợ trong khuôn khổ lễ hội trà. Dẫu có nhiều bỡ ngỡ vì lần đầu tham dự sự kiện song người dân đều rất vui mừng khi giới thiệu, bán được nhiều chè và các sản vật của địa phương. Có nông dân khoe mấy ngày hội thu lãi hơn 2 triệu đồng từ bán bánh…

Tôi thầm nghĩ, các món ẩm thực chế biến từ nguyên liệu trà xanh sẽ là gợi ý tuyệt vời cho các bà, các chị nội trợ đảm đang. Và nếu phát triển du lịch từ chè, đa dạng thêm ngành ẩm thực từ nguyên liệu chè xanh, chắc chắn Phú Đô sẽ là điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn.

Ước vọng không xa

Xã Phú Đô hiện có gần 700ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 7.300 tấn /năm. Tính ra, mỗi năm người làm chè của xã cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn chè búp khô, giá trị trên 4 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Được phù sa của dòng chảy sông Cầu bồi đắp, những nương chè ở xã Phú Đô hưởng trọn nguồn nước tự nhiên đầu tiên cho vùng đất và hệ sinh thái mát mẻ từ dòng sông giúp cho vị chè thơm ngon, ngọt hậu khiến người thưởng chè khó có thể quên được hương vị.

Những năm qua, cùng với việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, xã quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm chè như: Khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng máy sao, vò chè bằng Inox, mở rộng diện tích chè VietGAP, hỗ trợ van tưới chè người dân, xây dựng vùng sản xuất, chế biến chè an toàn.

Để khẳng định thương hiệu "chè Phú Đô" trên thị trường, xã còn phối hợp với ngành chuyên môn từng bước triển khai thí điểm các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm.

Hiện toàn xã có gần 140ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và nhiều diện tích chè hữu cơ. Sản phẩm trà cũng được nhiều hộ sản xuất chè cũng như các hợp tác xã ở Phú Đô đăng ký mã vạch, thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.  

Anh Hoàng Văn Tuấn, Chủ nhiệm HTX Trà an toàn xã Phú Đô, vui vẻ nói: Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến khâu an toàn từ quy trình trồng, chăm sóc và chế biến. Tôi tâm niệm, làm ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, phục vụ sức khoẻ người tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường là phát triển bền vững. Để làm được điều đó, chúng tôi đang từng bước thay đổi tư duy trong cách trồng, chăm sóc và chế biến chè của người dân, trong đó có nhiều đồng bào Mông ở địa phương.

Với những lợi thế sẵn có về cây chè, nhiều sản phẩm trà của Phú Đô đã được trưng bày tại các gian hàng hội chợ, các chương trình quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh và được khách hàng ưa chuộng. Đó chính là tiền đề để người trồng chè đưa sản phẩm trà của địa phương này tiếp tục bay cao và vươn xa hơn nữa…