Ai về thăm Điềm Mặc, Phú Đình - vùng lõi hay nói khác đi là trung tâm của An toàn khu (ATK) Định Hóa trong thời kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, sẽ thấy hàng chục di tích lịch sử mà Đồi Cọ, Bản Bắc là một điểm nhấn. Nơi ấy, cách nay tròn 70 năm (ngày 15/3/1953) đã chứng kiến sự ra đời của ngành Điện ảnh, Nhiếp ảnh nước nhà.
Di tích lịch sử nơi ra đời ngành Điện ảnh, Nhiếp ảnh nước nhà tại Đồi Cọ, Bản Bắc chuẩn bị được mở rộng. |
Đồng chí Phùng Văn Đăng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc, tiếp đón chúng tôi như đón những người nhà. Trưởng thành từ cơ sở, từ cán bộ Đoàn, mấy chục năm qua không biết bao lần các anh làm việc tri ân lịch sử như thế. Với các di tích cách mạng và kháng chiến trên địa bàn, các anh luôn nằm lòng.
Anh Đăng bảo: Trước khi vào Đồi Cọ, Bản Bắc, chúng ta hãy qua Roòng Khoa kiểm tra Di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950) của các anh một chút. Hơn tháng nữa cũng đã đến ngày kỷ niệm lần thứ 73 rồi… Trên đường tới Bản Bắc, anh thông tin: Với Quyết định số 3084 ngày 27/10/2020, Nhà nước đã xếp hạng cấp Quốc gia cho Di tích nơi ra đời ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhân dân Bản Bắc đã hiến thêm đất, Cục Điện ảnh và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cùng với xã Điềm Mặc đang tiến hành xây tường rào cho khuôn viên Khu di tích rộng hơn 800 mét vuông này.
Những tư liệu tôi viết trong bài này được ghi chép tại các hội thảo, nghe các nhân chứng kể lại hoặc tài liệu lấy từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia, từ chính sử cách nay ngót 40 năm…
Nói cho công bằng thì nhiếp ảnh có mặt ở nước ta từ khá sớm. Đó là ngày 14/3/1863, Cảm Hiếu Đường - cửa hàng chụp ảnh đầu tiên của ông Đặng Huy Trứ, được khai trương tại Hà Nội. Trong những năm 1925-1945, các nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Nguyễn Bá Khoản đã đứng ra thành lập Hội Ái hữu ảnh, hoạt động tích cực tại Hà Nội và Sài Gòn. Nhiếp ảnh đã ghi lại làm bằng chứng những gì đang diễn ra tại Việt Nam, trong đó có việc tố cáo chính sách thuộc địa hà khắc, bạo tàn của Pháp, Nhật. Những tấm ảnh chụp những sự kiện lớn như Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình có giá trị lịch sử vô giá…
Lĩnh vực điện ảnh trong thời gian này cũng đi những bước chập chững. Đầu thế kỷ XX, thế giới đã có những phát triển về công nghệ điện ảnh. Những phát minh ghi hình chuyển động với 12 rồi 24 khung hình trên giây đã đặt nền móng cho ngành điện ảnh sau này.
Tại Việt Nam, năm 1908, ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng đã xuất hiện các rạp chiếu phim câm. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một năm sau lại phải đương đầu với cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh lui về Việt Bắc lập căn cứ. Trong số các trí thức đi theo kháng chiến có những người theo nghề nhiếp ảnh, điện ảnh. Không riêng gì nhiếp ảnh, điện ảnh, nhiều cơ quan văn hóa, báo chí cũng phôi thai và được thành lập dịp này.
Trước đòi hỏi từ thực tiễn trong cuộc kháng chiến, ngày 18/11/1949, Đoàn nhiếp ảnh Việt Bắc được thành lập với các hạt nhân: Đinh Đăng Định, Vũ Năng An… Các nhà làm phim nổi tiếng sau này cũng chủ yếu trưởng thành từ nhiếp ảnh, như Nguyễn Đăng Bảy, Hoàng Tích Chỉ, Hồng Nghi...
Những nhà quay phim kháng chiến đã có những hoạt động, thước phim, phim tài liệu đầu tiên. Đó là phim “Trao trả tù binh ở Thất Khê năm 1950”. Rồi tháng 12/1951, các nhà quay phim đã ghi hình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II làm tư liệu lịch sử. Đầu năm 1952, bộ phận nhiếp ảnh, điện ảnh thuộc Nha Thông tin chuyển từ Bình Ca (Sơn Dương - Tuyên Quang) về lập trụ sở trên một đồi cọ thuộc Bản Bắc, xã Điềm Mặc (Định Hóa), do nhà nhiếp ảnh, đạo diễn Phạm Văn Khoa phụ trách, trong ban lãnh đạo còn có các đồng chí: Nguyễn Hùng, Nguyễn Ngọc Chung, Vũ Phạm Từ, Mai Lộc; sau thêm Phan Nghiêm, Phan Trọng Quang, Quốc Huy, Nguyễn Quốc Phi…
Sinh hoạt tại địa danh Đồi Cọ có khoảng 30 người. Đồng chí Nguyễn Hùng phụ trách bộ phận trị sự và hành chính; đồng chí Vũ Phạm Từ phụ trách bộ phận biên tập, chính trị (gồm các họa sĩ, nhiếp ảnh, quay phim); đồng chí Phan Nghiêm phụ trách kỹ thuật… Đây chính là nền móng cho ngành nhiếp ảnh, điện ảnh cách mạng…
Cố đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương (quê ở xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) tham gia làm cố vấn cho Đài PT-TH Thái Nguyên sản xuất bộ phim truyện 4 tập “Dưới cờ phục quốc”. |
Trong một lần hội thảo, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Đăng Bảy kể: Khu Đồi Cọ còn có Nhà khách Trung ương Đảng, Hoàng thân Souphanouvong, đạo diễn Rô-nan Các-men từng lưu lại đây. Đôi lần, Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh cũng tới xem chiếu bóng. Chính từ chiến khu gian nan thiếu thốn này, đồng chí Phan Nghiêm đã mầy mò tìm cách in tráng phim, lần đầu tiên thu được tiếng, lồng được nhạc vào phim và phim tài liệu về Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất đã ứng dụng thành công sáng tạo này.
Và một sự kiện lịch sử đã diễn ra tại Đồi Cọ: Lễ công bố Sắc lệnh số 147/SL ngày 15/3/1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính thức khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng. Đốm lửa đầu tiên được nhóm và bùng cháy chỉ bằng 2 máy quay phim 16 ly, 2 máy chiếu phim 35 ly và 3 chiếc máy nổ. Đồi Cọ đã hội tụ và nuôi nấng những tên tuổi lớn, sau này phụng sự đắc lực cho nghề: Vũ Năng An, Tô Na, Đinh Đăng Định, Võ An Ninh, Trần Đình Thọ, Phan Kế An, Hoàng Như Tiếp, Phan Nghiêm, Phạm Văn Khoa…
Nhiếp ảnh Việt Nam ra đời từ một đất nước thuần nông, nhưng 70 năm qua đã hội nhập quốc tế và đóng góp to lớn cho nước nhà. Điện ảnh Việt Nam từ “Hô-ly-út Đồi Cọ” đã phát triển không ngừng, lập nhiều thành tích to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước tươi đẹp, mạnh giàu.
Thừa hưởng truyền thống cao đẹp, là nơi sinh thành ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng, nhiếp ảnh Thái Nguyên đã có bước phát triển, đáp ứng yêu cầu của đời sống và nhiệm vụ chính trị. Điện ảnh với Thái Nguyên còn chưa dám nghĩ nhiều về lĩnh vực đòi hỏi cao này.
Tuy vậy, cũng cần nhắc nhớ: Trong những năm 2007-2015, Đài PT-TH Thái Nguyên liên tiếp sản xuất các phim tài liệu có tiếng vang: “Bác Hồ với chiến khu” (1 tập), “Những nẻo đường Việt Bắc” (100 tập), “Đất và người Phương Nam” (100 tập), “Những địa danh mang dấu ấn thi ca” (50 tập), “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” (10 tập, do Báo Thái Nguyên và Đài PT-TH tỉnh kết hợp sản xuất); các phim truyện: “Dưới cờ phục quốc” (4 tập), “Tể tướng Lưu Nhân Chú” (5 tập), “Lửa thiêng Tràng Xá” (4 tập) đều có chất lượng tốt, được nhiều nơi sử dụng và quảng bá các phim này.
Nói như vậy có nghĩa rằng, Thái Nguyên đã có tiền đề về công nghiệp điện ảnh. Đầu tư cho công nghiệp điện ảnh là công phu và dài hơi. Bắt đầu từ con người là những biên kịch, đạo diễn (tỉnh mới có 2 đạo diễn điện ảnh là Đặng Tiến Sơn và Chu Ngọc Linh), diễn viên và kỹ thuật chuyên sâu. Nếu khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp xây dựng các phòng chiếu phim, rạp chiếu phim quy mô nhỏ, chuyên sâu về loại hình; đầu tư xây dựng các phim trường với nhiều công năng và đầu tư sản xuất phim, làm dịch vụ cho ngành công nghiệp điện ảnh thì khả năng phát triển là rất cao…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin