Một ngày với nông dân Phú Bình

Phạm Ngọc Chuẩn 16:32, 26/02/2023

Toàn huyện Phú Bình có hơn 27.135 hộ nông dân, với 22.372 hộ có người là thành viên Hội Nông dân (gần 83%). Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân Phú Bình tích cực đóng góp tiền của, công sức để hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Từ chăn nuôi gia cầm trang trại và mở lò ấp trứng, gia đình ông Nguyễn Văn Đường (người đầu tiên bên trái), tổ 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), có thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Từ chăn nuôi gia cầm trang trại và mở lò ấp trứng, gia đình ông Nguyễn Văn Đường (người đầu tiên bên trái), tổ 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), có thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Đầu Xuân, đi trên đồng đất Phú Bình, chúng tôi gặp ríu ran, bận rộn của bà con nông dân tất bật xuống mạ. Tôi liên tưởng đó là những nghệ nhân “cha truyền con nối” đang cùng nhau tạc vào khung cảnh thiên nhiên tấm phù điêu khổng lồ.

Khuôn hình ấy được Mẹ thiên nhiên ban tặng màu sắc theo 4 mùa mang lại sự no ấm cho muôn nhà. Những nghệ nhân của làng đã gặt hái từ đồng quê hàng nghìn tấn lương thực mỗi năm. Ngay như năm 2022, nông dân Phú Bình tạo ra tổng sản lượng lương thực đạt gần 80.000 tấn. Chưa kể hàng nghìn tấn rau, củ, quả các loại.

Từ “chân đất” đi lên, nhớ năm 2019, nông dân Phú Bình tự hào là chủ nhân của một trong những địa phương của tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất, với 17/19 xã. Sau 3 năm Phú Bình có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Hương Sơn đạt đô thị văn minh.

Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, tự hào: Huyện đã hoàn thiện hồ sơ minh chứng đề nghị tỉnh trình Trung ương thẩm định, xét công nhận Phú Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Chúng tôi gặp cụ Dương Văn Tọa, xóm Làng, xã Úc Kỳ, bên đường nông thôn mới đầy sắc hoa, cụ phấn chấn nói: Tôi đã 93 tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, tôi hạnh phúc vì được chứng kiến quê hương mình không ngừng đổi mới. Các thế hệ cán bộ, nhân dân lớp sau theo gương lớp trước, chung sức kiến tạo, xây dựng quê hương phát triển, rút ngắn khoảng cách chênh lệch kinh tế với trung tâm huyện và tỉnh.

Cụ Tọa là “Chiến sĩ thi đua ái quốc”. Cụ được gặp Bác Hồ tại “Hội nghị Thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa và Chiến sĩ thi đua Khu Tự trị Việt Bắc” ngày 13/3/1960…

Sau đào tạo nghề, nhiều nông dân Phú Bình đã có nghề mới - Ảnh chụp tại xã Thanh Ninh.
Sau đào tạo nghề, nhiều nông dân Phú Bình đã có nghề mới - Ảnh chụp tại xã Thanh Ninh.

Bên chân ruộng vừa xuống xong dảnh mạ, tôi nghe mùi bùn non lặng lẽ chắt chiu cho mai ngày cây lúa đơm bông. Để nông dân Phú Bình tự hào với bao sản vật nức tiếng thơm. Đó là gạo nếp Thầu Dầu, tương nếp (Úc Kỳ), cao Ngựa bạch Trường Nguyên (Dương Thành), khô gà lá chanh (Tân Thành), gà đồi Đông Thịnh (Tân Khánh), nem bùi Hải Tuyết (Thượng Đình).

Để sinh kế lâu bền, bà con nông dân các làng, xã đồng thuận xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của riêng mình. Nhiều sản phẩm được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn, hướng tới lợi ích cho người tiêu dùng.

Chuyện nông dân làm giàu ở Phú Bình, nhiều bà con “điểm danh” đến ông Nguyễn Văn Đường, tổ 3, thị trấn Hương Sơn. Bằng mô hình chăn nuôi gà bố mẹ và ấp nở gà giống, với quy mô 28 lò ấp, công suất 15.000 trứng/lò. Sản lượng một năm ấp hơn 5 triệu quả trứng, cung ứng cho các trang trại trong, ngoài tỉnh hơn 4 triệu gà con/năm, đạt thu nhập hơn 3 tỷ đồng đã trừ chi phí. Ông là 1 trong 63 tỷ phú “chân đất” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”.

Từ một vùng đất gan gà, sỏi ong nhiều hơn đất màu, các thế hệ nông dân Phú Bình đã biến cải thành đất vàng. Bí quyết gói gọn vào 2 chữ “cần, kiệm”, đồng thời biết kết hợp giữa kinh nghiệm sản xuất truyền thống với ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Đồng hành với nông dân trên con đường khởi sắc là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chuyên môn. Các thế hệ cán bộ không quản khó, khổ về với nông dân, mang đến những điều nông dân cần, như khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư sản xuất, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ năng đầu tư phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình.

Riêng năm 2022, thông qua sự phối hợp của Hội Nông dân với các cơ quan chức năng trên địa bàn, toàn huyện có 235 cán bộ, hội viên được tập huấn về kỹ năng cài đặt ứng dụng đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp được bà con nông dân gắn mã QR truy xuất nguồn gốc.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp được bà con nông dân gắn mã QR truy xuất nguồn gốc.

Đến nay có 15 sản phẩm nông nghiệp được bán trên sàn thương mại điện tử; gần 5.500 lượt hội viên được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về gieo trồng lúa, ngô giống mới, trồng cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho gà, bò, ong mật. Hơn 5.900 gia đình hội viên được Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT giải ngân với tổng vốn hơn 438 tỷ đồng. Gần 100 gia đình hội viên tham gia 8 dự án phát triển kinh tế được Quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Từ nguồn chân quỹ do hội viên nông dân đóng góp, trong năm 2022 có 64 gia đình vay, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Chi nhánh Vật tư nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Phú Bình cung ứng hơn 40 tấn giống cây trồng các loại, 3.500 tấn phân bón cho hàng trăm gia đình hội viên sản xuất kịp khung thời vụ.

Có vốn đầu tư, đồng thời thời làm chủ được khoa học kỹ thuật, bà con được tiếp thêm động lực khi tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Bình xét thi đua năm 2022, toàn huyện có hơn 7.300 hộ đạt tiêu chí sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Minh chứng về phong trào làm giàu, ông Ngô Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện, cho biết: Các mô hình sản xuất, kinh doanh của bà con ngày càng đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình thu tiền tỷ/năm sau khi đã trừ các khoản đầu tư như: Mô hình chăn lợn, nuôi cá của gia đình ông Nguyễn Hữu Hoàn, xóm Bình Định (Kha Sơn); Mô hình sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình ông Vũ Quang Bách, xóm Tân Sơn (Xuân Phương); Mô hình chế biến, kinh doanh lâm sản của gia đình ông Đặng Văn Hồng, xóm Cầu Cong (Tân Khánh); Mô hình trang trại chăn nuôi gà thịt kết hợp trồng rừng của gia đình ông Nguyễn Đắc Phúc, xóm Bạch Thạch (Tân Kim)…

Còn nhiều nữa những mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Họ là những nông dân bình dị, song họ trực tiếp đóng góp một phần công sức của mình cùng mọi người trong cộng đồng xã hội làm thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn.

Tôi biết, những nông dân điển hình tiên tiến ấy, ngoài chăm lo làm giàu cho gia đình còn tích cực chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên, ổn định đời sống kinh tế.

Cùng chính quyền địa phương, những hộ làm kinh tế giỏi được ví như trụ cột hỗ trợ, là động lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên. Minh chứng là hằng năm các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương, đồng thời cho bà con vay vốn không lấy lãi hơn 10 tỷ đồng. Các nông dân bạc tỷ Phú Bình đã chia sẻ với những nông hộ khó khăn với tâm niệm “Tình làng, nghĩa xóm”, nên không kể công vì sợ làm người yếu thế bị tổn thương.

Phú Bình đang trên đà khởi sắc để vươn tới những tầm cao mới. Từ một vùng đất thuần nông nay đã có những khu công nghiệp nhộn nhịp người đi ca, vào kíp. Đã có hàng nghìn nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Những trục đường đất đỏ năm nào nay rộng rãi, bê tông sạch đẹp, nhiều tuyến bà con trồng cây xanh, mùa nào hoa nấy, cảnh quan tôn tạo thêm sắc mầu cho “bức tranh” quê…

Một ngày dong duổi với bà con nông dân, được nghe bà con kể chuyện làm giàu ngay trên mảnh đất cằn xưa cũ bằng cách làm mới, xem bà con đưa nông sản lên sàn thương mại online, tôi thấy lòng mình phấn chấn, được lây niềm vui của những nông dân năng động, luôn bắt nhịp phù hợp với thời đại kinh tế số.