Dương Tự Minh, vị Thủ lĩnh phủ Phú Lương, dân tộc Tày, là người có công giúp vua Lý cai quản, trấn giữ biên cương phía Bắc nước Đại Việt (thế kỷ XII). Cuộc đời và sự nghiệp của Dương Tự Minh đã được sử sách ghi chép, hình tượng của ông đã đi vào thơ ca.
Trang đầu bản thần tích. |
Năm 2022, chúng tôi lại phát hiện được một văn bản thần tích nữa cũng viết về danh tướng Dương Tự Minh nằm trong các tài liệu Hán Nôm của cụ Dương Nghĩa Phùng, ở làng Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Qua nghiên cứu cho thấy, văn bản thần tích này là một trong những tư liệu lịch sử quý giá ghi công trạng và sự nghiệp của danh nhân Dương Tự Minh, đồng thời cũng là những tư liệu bổ sung cho chính sử về thân thế, con người ông.
Cuốn thần tích cổ nằm trong số tài liệu Hán Nôm của gia đình cụ Dương Nghĩa Phùng. Cuốn sách có 17 trang, mỗi trang được trình bày từ 6 đến 8 dòng, mỗi dòng có từ 7 đến 15 chữ. Tờ ngoài cùng có ghi 6 dòng chữ đại ý ca ngợi chí khí lớn lao của người anh hùng quân tử. Toàn bộ văn bản được chép bằng chữ Hán xen chữ Nôm phong cách viết theo kiểu chữ chân, đều nhau. So sánh với bản thần tích tìm thấy trước, bản này chữ viết đẹp hơn, nét chữ cẩn thận, phong cách viết chữ Hán Nôm đạt đến trình độ nghệ thuật cao.
Toàn bộ văn bản có trên 2.040 chữ. Mặc dù văn bản không ghi niên đại sao chép nhưng dựa vào phong cách nghệ thuật thư pháp có thể biết văn bản này được chép vào thời kỳ trước năm 1945, cách ngày nay trên dưới 100 năm.
Gần cuối thần tích có căn dặn (dịch nghĩa): “Sự tích này truyền từ con đến cháu, phải nghiêm chỉnh không được tiết lộ cho biết, mà lộ ra thì phải chịu trách nhiệm”. Cuối thần tích có chép 3 đạo sắc phong của Vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), thứ 4 (1888) và Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho làng Xuân La, xã La Đình, huyện Tư Nông, tỉnh Thái Nguyên, thờ thần thành hoàng là Dương Tự Minh với tên là Cao Sơn Quý Minh Thượng đẳng thần.
Dương Tự Minh là nhân vật lịch sử, thông tin về ông được nhiều tư liệu chính sử và địa chí đề cập đến, đó là: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký toàn biên, Việt sử cương mục tiết yếu, Việt sử thông giám cương mục, Việt sử lược và Đại Nam nhất thống chí. Ngoài ra còn được ghi lại trong các tập thơ như: Thoát Hiên vịnh sử thi tập, Việt sử diễn âm, Thiên Nam minh giám và Liệt tỉnh phong vật phú.
Bản thần tích mới được phát hiện ở nhà cụ Dương Nghĩa Phùng viết về Dương Tự Minh so với sách Đại Việt sử ký toàn thư có một số chi tiết không giống nhau, ví dụ: Sự kiện thời vua Lý Nhân Tông thì chép là Lý Anh Tông. Nhà Lý gả công chúa Diên Bình (năm 1127) cho Dương Tự Minh trước, sau mới gả tiếp công chúa Thiều Dung (năm 1144) nhưng thần tích chép thứ tự ngược lại. Các chi tiết Dương Tự Minh bắt sống được tướng giặc Đàm Hữu Lượng, hoặc các địa danh vùng đất Đàm Hữu Lượng chiếm giữ, Dương Tự Minh đem quân đến đánh dẹp được và tên các địa danh hành chính có trong thần tích gắn với sự kiện Dương Tự Minh đánh dẹp giặc Tống ở biên giới phía Bắc nước Đại Việt cũng không hoàn toàn trùng khớp với ghi chép của các sách chính sử. Có lẽ vì lòng tôn kính của nhân dân, soạn giả thần tích đã thần thánh hóa nhân vật, bằng sự hư cấu, bằng trí tưởng tượng của mình.
Trang cuối bản thần tích. |
Bản thần tích cho biết, Dương Tự Minh quê làng Quan Triều, phủ Phú Lương, Thái Nguyên (nay thuộc phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), trùng khớp với ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí, nhưng về năm sinh, năm mất của ông, hiện tại cũng chưa có sử sách nào ghi chép được.
Tuy nhiên, địa điểm Dương Tự Minh mất ở đâu, chính sử cũng chưa ghi chép được, văn bản thần tích này cho biết: “Phò Mã lang đi về bến Giang Ma tắm gội, lên núi Đá Chu, ở nơi đây hóa thân thành thần”. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong văn bản thần tích ghi chép được, đã bổ sung thêm cho chính sử viết về nhân vật lịch sử Dương Tự Minh thời Lý.
Sau khi Dương Tự Minh qua đời, các triều đại đã sắc phong cho nhân dân trong vùng lập đền thờ. Ở tỉnh Thái Nguyên có Di tích lịch sử quốc gia đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, là nơi thờ chính Dương Tự Minh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 125 điểm di tích lịch sử văn hoá, là cơ sở tín ngưỡng, đình, đền, miếu, nghè thờ ông. Năm 2003, UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Viện Sử học tổ chức Hội thảo khoa học về Dương Tự Minh Danh.
Khảo sát các di tích tại tỉnh Thái Nguyên, quê hương của Dương Tự Minh, cho thấy ở các địa phương, hình ảnh Dương Tự Minh đã ăn sâu vào tâm thức nhân dân. Ông là con một vị quan châu mục, sinh trong gia đình có truyền thống võ thuật, từ thuở nhỏ đã nổi tiếng là người thông minh, ham học giỏi về đường cung kiếm, võ nghệ.
Xuất thân nhà nghèo, ông chăm chỉ, siêng năng học hành, rèn luyện, có hiếu với cha mẹ, hay giúp người khốn khó. Bản thần tích này cũng đã phản ánh những phẩm chất tốt đẹp đó của ông. Một trong những phẩm chất cao quý hơn là lòng yêu nước. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, ông xin với vua cho ra trận đánh giặc. Với tài năng của mình, ông đã dùng áo tàng hình xông vào trại giặc đóng, tiêu diệt hết quân giặc, bắt sống được tướng giặc là Đàm Hữu Lượng đem nộp, báo công với vua.
Tuy hai lần được gả công chúa, phong làm Phò Mã của triều đình nhà Lý, là niềm vinh hạnh hiếm có của các thủ lĩnh dân tộc ở vùng núi nhưng với bản tính khiêm nhường, Dương Tự Minh vẫn tỏ ra là người hiếu thuận, tuyệt đối trung thành với nhà vua.
Khi triều đình suy yếu, vua Lý còn nhỏ tuổi, kẻ gian thần xu nịnh có cơ hội nhũng nhiễu triều đình, Dương Tự Minh đã tỏ rõ là con người có khí phách dũng cảm, chống lại sự phi nghĩa để bảo vệ ngai vàng nhà vua. Cụ thể ở đây, ông đã cùng với các đại thần lập mưu trừ gian thần là Thái uý Đỗ Anh Vũ, chứng tỏ ông là con người có khí phách, dám chống lại bọn gian thần. Đây cũng là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người Dương Tự Minh.
Do vậy, sách Lịch triều hiến chương loại chí, khi chép về các nhân vật lịch sử, nhà sử học Phan Huy Chú ca ngợi ông là một trong những vị tướng tài hiếm có dưới triều nhà Lý; sách Đại Nam nhất thống chí khi chọn các nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên đã chọn Dương Tự Minh…
Có thể nói, bản tài liệu thần tích về Dương Tự Minh mới phát hiện là tư liệu quý, tư liệu dân gian này tiếp tục bổ sung vào các tài liệu chính sử đã viết về tiểu sử, thân thế của một nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên. Nội dung bản thần tích cho chúng ta biết rõ về nơi ông yên nghỉ, ông đã trút hơi thở cuối cùng, là núi Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương.
Tư liệu thần tích về Dương Tự Minh cũng góp phần làm phong phú thêm kho tàng tư liệu di sản văn hóa Hán Nôm của nước ta, đặc biệt là về các danh nhân dân tộc thuộc vùng Việt Bắc, ghi lại công lao to lớn của ông cha ta trong việc gìn giữ và bảo vệ vùng biên cương phía Bắc nước Đại Việt dưới thời nhà Lý ở thế kỷ XII.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin