Takaoka - thành phố của nghề thủ công truyền thống

Theo HNMO 08:14, 25/04/2023

Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, xu hướng du lịch làng nghề cũng là một lựa chọn được du khách yêu thích. Điều này tạo động lực cho chính quyền các địa phương đẩy mạnh chính sách bảo tồn và phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống. Thành phố Takaoka (Nhật Bản) đang là một trong những địa phương gặt hái được thành công từ chính sách này.

Khu nhà xưởng đúc đồng trên con phố trung tâm quận Kanayamachi được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Khu nhà xưởng đúc đồng trên con phố trung tâm quận Kanayamachi được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Nằm ở phía tây bắc của tỉnh Toyama, thành phố Takaoka có diện tích 20,57km2, dân số hơn 170.000 người. Theo tài liệu lịch sử, Toshinaga Maeda - lãnh chúa phong kiến thứ hai của miền Kaga - là người đã thành lập Takaoka vào năm 1690. Để phát triển vùng đất mới, ông kêu gọi các nghệ nhân, thương nhân và thợ đúc kim loại chuyển đến nơi này, mở đường cho Takaoka trở thành một thị trấn với nhiều nghề thủ công truyền thống.

Nghề thủ công nổi tiếng nhất ở Takaoka là đúc đồng. Từ hơn 300 năm trước, sản phẩm làm từ đồng tại thành phố lớn thứ 2 tỉnh Toyama này đã nổi danh khắp xứ sở hoa anh đào. Hiện nay Takaoka đang đóng góp tới 95% sản phẩm làm từ đồng tại Nhật Bản. Các xưởng đúc đồng tại Takaoka vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống. Đây là một quá trình phức tạp với nhiều công đoạn. Để quảng bá hơn nữa đồng thời gia tăng hơn nữa doanh thu từ nghề truyền thống có tuổi đời hơn 3 thế kỷ này, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích du lịch trải nghiệm tới quận Kanayamachi - nơi được coi là cái nôi của nghề đúc đồng. Tương truyền, theo lời kêu gọi của lãnh chúa Toshinaga Maeda, năm 1611, 7 thợ đúc kim loại từ Nishibu-Kanaya đã tới Takaoka. Họ được cấp một mảnh đất dài 180m, rộng 90m tại Kanayamachi để lập xưởng làm nghề và được hưởng chính sách miễn thuế cũng như các đặc quyền  khác. Sau thời gian dài hình thành và phát triển, các xưởng đúc đồng và kim loại khác đã được nhân rộng ở Kanayamachi.

Ngày nay, khách du lịch đến quận này không khỏi ngỡ ngàng trước con phố lát đá dài chừng 150m cùng những khu nhà được bảo tồn gần như nguyên vẹn của những thợ đúc đồng xưa. Mỗi khu nhà bao gồm một khối chính quay mặt ra đường, ở giữa là sân dẫn tới nhà kho, phía trong cùng là nhà xưởng. Theo lý giải của người dân ở đây, các nhà kho đóng vai trò như một bức tường ngăn lửa để phòng đám cháy lan rộng nếu đám cháy bùng phát tại xưởng. Hiện tại, các nghệ nhân đúc kim loại thế hệ thứ tư, thứ năm vẫn làm việc trong những xưởng đồng cũ tại nơi này. Du khách có thể chiêm ngưỡng sản phẩm độc đáo của họ trong những cửa hàng trên con phố cổ.

Trên con phố này, Otera-Kohachiro Shoten là một cửa hàng lâu đời, hoạt động từ năm 1867. Sau khi bắt đầu bằng việc đúc lò than ấm đun nước và các vật dụng hằng ngày khác, công việc kinh doanh của gia đình mở rộng sang lĩnh vực bán buôn. Ngày nay, bên cạnh các hoạt động sản xuất và bán buôn, Otera-Kohachiro Shoten còn điều hành một phòng trưng bày trong tòa nhà chính 200 năm tuổi để phục vụ khách đến thăm và tìm hiểu về lịch sử khu phố.

Kanayamachi đặc biệt sôi động vào ngày 19-6 hằng năm - thời điểm diễn ra Lễ hội Goinsai để tưởng nhớ lãnh chúa Toshinaga Maeda, người đặt nền móng cho Takaoka. Vào ngày này, người dân địa phương cùng nhau nhảy múa tưng bừng theo giai điệu bài hát lao động của những người thợ đúc kim loại. Sau khi tỉnh Toyama đưa ra chính sách khuyến khích du lịch trải nghiệm nghề truyền thống, Lễ hội Goinsai ngày càng sôi động bởi có sự tham gia của du khách. Các xưởng đúc đồng vào thời gian này được nhiều đoàn khách ghé thăm. Khách du lịch không chỉ mua quà lưu niệm mà còn trực tiếp thực hiện quy trình đúc kim loại và nói chuyện với những nghệ nhân bậc thầy.

Một trong những điểm đến thu hút du khách tới trải nghiệm nghề đúc kim loại ở Takaoka là Công ty TNHH Nousaku. Công ty này bắt đầu sản xuất đồ đúc kim loại vào năm 1916. Đây là nơi không ngừng cải tiến kỹ thuật, tạo ra sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thời đại nhưng vẫn gìn giữ, bảo tồn truyền thống hơn 300 năm của đồ đồng Takaoka. Giám đốc công ty Katsuji Nousaku cho biết, ông đã nỗ lực thúc đẩy loại hình du lịch này nhằm giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống và quy trình tạo ra các sản phẩm đúc kim loại.

Theo đại diện chính quyền địa phương, kể từ khi loại hình du lịch trải nghiệm nghề truyền thống được khuyến khích phát triển, Takaoka đã trở thành 1 trong 10 địa điểm hấp dẫn du khách nhất của tỉnh. Trong thời gian tới, họ sẽ tiếp tục tiếp thu và ủng hộ các sáng kiến nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghề đúc kim loại để nâng cao sức hấp dẫn của Takaoka trên bản đồ du lịch nội địa cũng như thế giới.