Đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) là nơi con người hay mỗi loài sinh vật đều có sức sống mãnh liệt. Và, con người cùng thiên nhiên nơi đây dường như có sự gắn kết đặc biệt để tạo nên một hòn đảo hiền hòa, tràn đầy tình yêu thương.
Chúng tôi may mắn được ra công tác tại Song Tử Tây vào dịp cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, được cảm nhận cuộc sống trên xã đảo, tình đồng chí, đồng đội và tình cảm quân dân gắn bó máu thịt nơi đây.
Âu tàu trên đảo Song Tử Tây. |
Gian nan tiếp cận Song Tử Tây
Đi biển dịp cuối năm, gió Đông Bắc thổi mạnh, nhưng cũng cho chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự vất vả và ý chí kiên cường của các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trên con tàu KN 490 có gần 50 cán bộ, phóng viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương được đến thăm 6 đảo và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có 2 xã đảo là Song Tử Tây và Sinh Tồn. Sau 2 ngày vượt sóng dữ từ cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), con tàu chỉ còn cách Song Tử Tây chưa đầy 2 hải lý. Thế nhưng, do thời tiết không thuận lợi, sóng biển cao 5-7m nên để bảo đảm an toàn, đoàn công tác vẫn phải trực chờ “thời cơ”.
Tuần tra đêm trên đảo Song Tử Tây. |
Sau gần 5 ngày “ăn trực nằm chờ” trên tàu, chỉ huy đoàn thông báo chúng tôi sẽ được di chuyển lên xã đảo Song Tử Tây. Ngay lập tức, niềm hân hoan, háo hức hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người sau nhiều ngày bị “vùi dập” bởi những cơn sóng dữ.
Anh Nguyễn Tiến Đông, phóng viên Báo Nghệ An, chia sẻ: Những ngày chờ lên đảo, tôi đã tranh thủ tìm hiểu về cuộc sống của quân dân trên đảo qua lời kể của các thuyền viên. Mỗi ngày, tôi đều lên đài chỉ huy - nơi có tầm nhìn tốt nhất, hướng mắt về phía Song Tử Tây, rồi tự mình mường tượng về cuộc sống của quân và dân nơi xã đảo này. Tiện thể, tôi đều tranh thủ gọi điện về cho cô con gái ở nhà nhờ có cột sóng điện thoại được xây dựng trên đảo, kể với cháu về những câu chuyện chúng tôi được nghe, những con người chúng tôi được gặp ngay trên chuyến tàu này.
Các chiến sĩ trên đảo tích cực tăng gia sản xuất. |
Khoảng 13 giờ, sau khi các thủy thủ tàu KN 490 đưa toàn bộ quà Tết, nhu yếu phẩm đến với các chiến sĩ, người dân trên đảo Song Tử Tây, chúng tôi được chỉ huy tàu thông báo đến lượt các phóng viên lên tàu CV để trung chuyển lên chiếc tàu số hiệu 798 (có kích thước ngang với tàu cá) tiến vào đảo. Đồng chí lái tàu CV Nguyễn Văn Hanh, quê ở huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) cho biết: Tết này đã là năm thứ 33 tôi tham gia lực lượng Hải quân. Năm nào chúng tôi ra thăm các đảo dịp cuối năm cũng là những chuyến công tác vất vả. Tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm sự an toàn cho đoàn công tác...
Các ấn phẩm của Báo Thái Nguyên đến với chiến sĩ đảo Song Tử Tây. |
Trong điều kiện sóng to gió lớn, phải mất gần 3 tiếng đồng hồ, toàn bộ hàng hóa và đoàn công tác mới được đưa lên tàu 798 - chiếc tàu đưa chúng tôi vào đảo Song Tử Tây. Các thuyền viên trên tàu 798 cho biết: So với mùa biển lặng, việc trung chuyển người và hàng hóa vào đảo Song Tử Tây dịp cuối năm ngốn thời gian gấp 2-3 lần và gặp rất nhiều khó khăn… Và chúng tôi biết, sự an toàn tuyệt đối của đoàn công tác trong chuyến đi được đánh đổi bằng những giờ làm việc đặc biệt căng thẳng của các thủy thủ trên tàu - những người lính Hải quân.
Sức sống giữa trùng khơi
Ngược dòng lịch sử: Ngày 14/4/1975, đặc công Hải quân cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu V bí mật đổ bộ lên chiến đấu, giải phóng thành công đảo Song Tử Tây từ tay quân ngụy chỉ sau 30 phút tấn công như vũ bão.
Đến nay, sau 48 năm xây dựng, sự “thay da đổi thịt” của Song Tử Tây hiện rõ ở khắp mọi nơi trên đảo. Đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân nơi đây ngày càng được nâng cao.
Đại diện chỉ huy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) tặng quà các gia đình sinh sống tại xã đảo Song Tử Tây nhân dịp Tết Nguyên đán 2023. |
Từ xa nhìn lại, Song Tử Tây giống như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương. Đặt chân lên đảo, khung cảnh rất thanh bình với những mái nhà đỏ tươi nằm xen giữa cây xanh, những con đường nhỏ đổ bê tông sạch sẽ… Chúng tôi đến thăm đảo đúng dịp cuối năm, nên các hộ dân ở đây đều đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, quét vôi lại hàng rào, chuẩn bị đồ trang trí trong những ngày Tết Nguyên đán.
Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây, cho biết: Hiện nay, đời sống của quân và dân trên đảo được cải thiện hơn trước rất nhiều. Việc tăng gia sản xuất cũng ngày càng hiệu quả với mô hình trồng rau sạch quy mô hàng trăm mét vuông. Cùng với đó là chăn nuôi gia súc, gia cầm để cung cấp nguồn thịt tươi cho chiến sĩ và người dân trên đảo. Hệ thống năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) đã cung cấp đủ điện cho nhu cầu của toàn đảo. 100% các hộ dân được sinh sống trong những ngôi nhà khang trang, có đầy đủ tivi, thiết bị liên lạc...
Cán bộ, chiến sĩ trên đảo tổ chức thi hái hoa dân chủ nhân dịp Tết Nguyên đán. |
Trên đảo còn có thư viện, phòng đọc sách, báo với hơn 4.000 đầu sách và trên 30 đầu báo, tạp chí các loại, 1 tủ sách pháp luật; có sân bóng đá, bóng chuyền để các chiến sĩ và người dân vui chơi, rèn luyện sức khỏe…
Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, quân và dân trên đảo cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi thú vị, như thi gói bánh chưng, kéo co, hái hoa dân chủ… Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, góp phần động viên tinh thần để các cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Lớp học trên đảo. |
Thượng tá Phạm Văn Thọ, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), cho biết: Bên cạnh việc chăm lo đời sống cho các cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân trên đảo, lực lượng Hải quân thường xuyên tổ chức huấn luyện, bảo đảm công tác quốc phòng, không để xảy ra những tình huống bị động, bất ngờ. Đảng bộ đảo Song Tử Tây là đơn vị nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Trên đảo Song Tử Tây có nhiều điểm nhấn đặc biệt so với các đảo khác trong quần đảo Trường Sa. Đó là bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia; cây phong ba cổ thụ trên đảo được công nhận là cây di sản Việt Nam; trạm khí tượng hải văn Song Tử Tây là 1 trong 2 trạm khí tượng hải văn trên quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ dự báo thời tiết hàng ngày; tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bằng đá khối cao 11m, sừng sững hướng ra Biển Đông; chùa Song Tử Tây là ngôi chùa lớn nhất trong 3 chùa trên quần đảo Trường Sa, được xây dựng hướng về Thủ đô Hà Nội.
Các chiến sĩ trên đảo giúp bà con ngư dân sửa chữa máy móc, thiết bị của tàu cá. |
Những năm gần đây, xã đảo Song Tử Tây đã trở thành điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Âu tàu của đảo có sức chứa 80-100 tàu cá công suất lớn, là bến đậu, địa chỉ an toàn cho ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… tránh bão. Khu làng chài và các công trình phụ trợ được xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2016 bảo đảm việc lưu trú, sinh hoạt cho khoảng 300 ngư dân tạm trú miễn phí. Xã đảo cũng là nơi cung cấp nước ngọt miễn phí và xăng dầu bằng giá trong đất liền cho bà con ngư dân...
Với khẩu hiệu “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, các cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân trên đảo Song Tử Tây đang ngày đêm quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin