Tổng thống Mỹ tiết lộ chủ trương mới về tăng thuế và ngân sách

15:11, 22/10/2021

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ngày 21-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiết lộ về chủ trương mới của ông liên quan đến vấn đề tăng thuế và nguồn ngân sách chi cho các dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng theo kế hoạch đề ra, cũng như quy định Hiến pháp liên quan đến quyền phủ quyết tại Thượng viện Mỹ.

"Ông chủ" Nhà Trắng cho biết ông đã gần đạt được thỏa thuận để thông qua kế hoạch chi tiêu lớn sau nhiều tuần thương lượng với các nghị sĩ trong đảng Dân chủ. Về kế hoạch tăng thuế, ông cho biết kế hoạch này có thể không nằm trong dự thảo luật về thúc đẩy kế hoạch tu bổ hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm củng cố vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Theo ông, dự luật về tăng thuế tối thiểu sẽ được tách biệt để có thể hỗ trợ cho các chương trình xã hội vốn là trọng tâm trong chương trình nghị sự trong nước của ông.

Về vấn đề biểu quyết tại Thượng viện, ông Biden bày tỏ sự ủng hộ thay đổi phương thức truyền thống vốn đòi hỏi 60/100 nghị sĩ ủng hộ để thông qua bất cứ đạo luật nào. Ông cho rằng đây là rào cản khiến đảng Dân chủ bất lực trong các vấn đề xã hội quan trọng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh vấn đề này cần phải xem xét.

Thuế là một vấn đề trọng tâm trong kế hoạch chi tiêu xã hội của ông Biden. Chủ đề này đã được đưa ra thảo luận nhiều lần tại Quốc hội nước này và Nhà Trắng. Hiện có hai dự luật đang được tranh luận tại Mỹ, trong đó dự luật để tu bổ cơ sở hạ tầng và một dự luật khác để tài trợ cho công tác chăm sóc trẻ em và các chi tiêu xã hội khác. Theo Tổng thống Biden, hai dự luật này sẽ "thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế (Mỹ)". Mặc dù vậy, cả hai dự luật này đều đang mắc kẹt tại Quốc hội, nơi đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện với đa số mong manh, nhưng lại đang bị chia rẽ về chi phí và phạm vi đề xuất của ông Biden.

Ông Biden cho rằng Mỹ cần ngân sách trị giá 1.200 tỷ USD để sửa chữa những cây cầu, đường sá và đường sắt đã xuống cấp từ lâu ở nước này và một ngân sách lớn hơn dành cho chăm sóc trẻ em và các lĩnh vực khác, mà theo ông đây sẽ là những sự hỗ trợ mang tính lịch sử dành cho những người Mỹ bình thường đang gặp khó khăn.

Mấu chốt chính của những tranh cãi hiện nay là quy mô của gói ngân sách thứ hai. Ông Biden đề xuất khoản tiền này là 3.500 tỷ USD, nhưng các nghị sĩ khác cho rằng mức chi hợp lý chỉ là 1.900 tỷ - 2.200 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là phải cắt giảm đáng kể các ưu tiên của ông Biden trong các lĩnh vực như mở rộng giáo dục miễn phí và năng lượng sạch.