Thứ 7, 11/01/2025, 10:43

WHO cảnh báo tình trạng thiếu nhân viên y tế nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19

Theo TTXVN 15:46, 15/03/2023

Theo Tổ chức Y tế thế giới, không dưới 55 quốc gia trên thế giới đang phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế, trong đó các nước châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở West Roxbury, bang Massachusetts, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở West Roxbury, bang Massachusetts, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế liên quan tới đại dịch COVID-19.

Báo cáo mới nhất của WHO cho hay, không dưới 55 quốc gia trên thế giới đang phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế, trong bối cảnh lực lượng lao động này có xu hướng tìm kiếm các cơ hội việc làm thu nhập cao hơn ở những nước phát triển hơn.

Cũng theo WHO, các nước giàu đã gia tăng nỗ lực tuyển dụng nhân viên y tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của WHO, các nước châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 37 quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế.

Thực trạng này có thể khiến các nước châu Phi khó hoàn thành Chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân trước năm 2030, một cam kết then chốt trong Các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tiến sỹ Jim Campbell, Giám đốc phụ trách chính sách nhân viên y tế của WHO cho biết, các quốc gia Vùng Vịnh lâu nay thường phụ thuộc vào nguồn lao động nhân viên y tế quốc tế.

Một số nước giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trên thực tế đã tăng cường hoạt động tuyển dụng để ứng phó với COVID-19 và bù đắp sự thiếu hụt nhân viên y tế trong thời gian đại dịch.

Để giúp các nước bảo vệ hệ thống chăm sóc y tế mong manh, WHO vừa đưa ra một danh sách cập nhật những bảo đảm và hỗ trợ lực lượng lao động y tế, trong đó nêu bật các quốc gia có số lượng ít nhân viên chăm sóc y tế lành nghề.

WHO nhấn mạnh “những quốc gia này cần được ưu tiên hỗ trợ để phát triển lực lượng nhân viên y tế, cùng với đó là việc có thêm những bảo đảm nhằm hạn chế hoạt động tuyển dụng quốc tế trong lĩnh vực này".

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng ủng hộ việc mọi quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, phù hợp với Các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, kêu gọi các nước “tôn trọng các quy định trong danh sách hỗ trợ và bảo vệ lực lượng nhân viên y tế của WHO”.