Chiều hôm đó, cô bé 13 tuổi nhắn tin cho bà ngoại họ Lee đang nằm trong bệnh viện, chúc bà sức khỏe và rằng, cô đang cầu nguyện cho bà chóng bình phục.
Những trận mưa như trút nước trong đêm 8-8 vừa qua biến đường phố Seoul thành sông, khiến ôtô chết máy hàng hoạt, gây hỗn loạn giao thông. Ảnh: Vnexpress |
Người bà nhắn lại: “Đáng yêu quá, con cún nhỏ của bà!”. Tuy nhiên, đó lại là lần cuối cùng bà được trò chuyện với cháu mình bởi một thảm kịch bất ngờ ập xuống.
Đợt mưa lịch sử tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) mới đây đã cướp đi sinh mạng của 3 thành viên trong gia đình bà Lee, gồm hai cô con gái cùng cháu gái, khi nước lũ nhấn chìm căn hộ bán hầm của họ tại phường Sillim, quận Gwanak.
Gia đình bà đã chuyển đến căn hộ này cách đây 7 năm sau một thời gian dài dành dụm. “Nước tràn vào nhà quá nhanh khiến chúng tôi không thể làm gì được”, ông Jeon, hàng xóm của bà Lee, cho biết. Trong số những người thiệt mạng vì trận lũ này ở Seoul còn có một phụ nữ khoảng 50 tuổi, cũng sống trong căn hộ bán hầm.
Những mất mát nghiêm trọng về người do trận mưa lũ chưa từng có suốt nhiều thập kỷ qua đã phơi bày tình trạng khó khăn của người nghèo tại các khu đô thị, cũng như cuộc khủng hoảng nhà đất và sự bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng trong xã hội xứ kim chi.
Tại Hàn Quốc, nhiều người thu nhập thấp ở thành phố chấp nhận sống trong các căn hộ bán hầm chật chội, ẩm mốc. Loại hình nhà ở này chìm một phần dưới lòng đất và có giá thuê rẻ. Chúng hầu như không thể nhìn thấy trừ khi người ta đi qua các con hẻm vào ban đêm và bắt gặp ánh đèn hắt lên qua một phần của chiếc cửa sổ nằm ngang mặt đường.
Mặt khác, những không gian nhỏ bé như vậy lại trở thành “bẫy tử thần” mỗi mùa mưa gió. Thực tế nguy cơ đó từng được lột tả rõ rệt trong bộ phim "Parasite" ("Ký sinh trùng") của đạo diễn Bong Joon-ho, tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc ghi dấu ấn trong lịch sử Giải Oscar danh giá.
Từ một trong những nền kinh tế nghèo nhất, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 11 thế giới và thứ 4 châu Á. Để cung cấp thêm nơi ở khi ngày càng nhiều người lao động đổ về các thành phố lớn, chính quyền buộc phải hợp pháp hóa các căn hộ bán hầm, vốn trước đây chỉ dành cho mục đích trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp. Việc sống ở khu vực khô ráo như các tòa chung cư đã trở thành một biểu tượng của địa vị, được ví von rằng, sự giàu có đo lường bằng độ cao mà người dân sống.
Một báo cáo của Chính phủ Hàn Quốc cho biết, hàng trăm nghìn người đang sống trong những căn hộ bán hầm, đa số phân bố ở Seoul hoa lệ, nơi có giá nhà cao ngất ngưởng và nổi tiếng với sự hào nhoáng của ngành công nghiệp K-pop hay các đế chế gia đình giàu sang.
Tuy nhiên, chúng được nhiều người ưa chuộng, nhất là sinh viên và các cặp vợ chồng trẻ, với hy vọng sau những nỗ lực và phấn đấu làm ăn, cuối cùng họ có thể sở hữu căn hộ chung cư trong tương lai không xa. Thế nhưng, thống kê cho thấy, một lao động bình thường tại Hàn Quốc sẽ phải tiết kiệm hơn 60 năm mới mua được nhà. Trong khi đó, người già, người khuyết tật hoặc người thất nghiệp đã từ bỏ hy vọng thoát khỏi cuộc sống ở căn hộ bán hầm bởi thu nhập chỉ đủ duy trì sinh hoạt hằng ngày.
Đến thăm phường Sillim sau trận mưa lũ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khẳng định quyết tâm không được để xảy ra những thảm kịch như vậy nữa, đồng thời kêu gọi các biện pháp cải thiện an toàn nhà ở.
Chính quyền Seoul cũng lên kế hoạch sớm loại bỏ các căn hộ bán hầm làm nơi sinh sống, bao gồm việc không cấp phép xây dựng mới và đưa ra “thời gian ân hạn” từ 10 đến 20 năm đối với các căn có giấy phép xây dựng. Đổi lại, thành phố có ưu đãi cho những chủ sở hữu này, chẳng hạn như trợ cấp tu sửa, trong khi hỗ trợ người dân chuyển đến các khu nhà ở xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin