Hiện nay, tại tỉnh Thái Nguyên có 1 bệnh viện hạng đặc biệt tuyến Trung ương, 12 bệnh viện tuyến tỉnh, 24 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương; hơn 170 trạm y tế tuyến xã, 8 trạm y tế cơ quan, đơn vị, trường học. Điều này đồng nghĩa với việc lượng rác y tế thải ra môi trường mỗi ngày khá lớn. Bởi vậy, việc quản lý rác thải y tế luôn được các cơ sở y tế; các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Rác thải y tế là một trong số các loại chất thải độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường sống nên cần được xử lý triệt để. Do đó, chúng tôi luôn yêu cầu các cơ sở y tế trong tỉnh phải thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải y tế.
Thực hiện yêu cầu của Sở Y tế và nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc xử lý triệt để rác thải y tế, thời gian qua, các cơ sở y tế đã tiến hành thu gom rác thải theo đúng quy định. Đơn cử tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, để xử lý triệt để trên 200kg rác thải nguy hại/ngày, Bệnh viện thực hiện quy trình rất nghiêm ngặt. Theo đó, rác thải phát sinh từ các khoa, phòng được thu gom, phân loại tại nguồn. Các loại rác thải y tế nguy hại được Bệnh viện xử lý bằng công nghệ vi sóng.
Chúng tôi được biết, từ năm 2015, khi được Bộ Y tế lựa chọn thực hiện “Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã có Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế và tự xử lý loại chất thải này ngay tại chỗ.
Khác với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, do chưa có điều kiện đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại ngay tại chỗ hoặc lượng rác thải y tế/ngày ít, nhiều cơ sở y tế đã lựa chọn cách xử lý linh hoạt.
Bác sĩ CKII Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh nói: Mỗi ngày, Bệnh viện phát sinh dưới 10kg rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm (chất thải sắc nhọn, chất thải giải phẫu, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn). So với nhiều cơ sở y tế trong tỉnh, lượng rác thải y tế nguy hại của Bệnh viện phát sinh không lớn nhưng chúng tôi vẫn tích cực thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phân loại, tập kết và xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức, nhân viên y tế thực hiện nghiêm việc thu gom, xử lý rác thải y tế nguy hại cũng được chúng tôi đặc biệt quan tâm.
Để xử lý lượng rác thải nguy hại này, trong quá trình thu gom, Bệnh viện chủ động phân loại ngay tại nguồn (các khoa, phòng…). Những loại rác thải y tế nguy hại, có nguy cơ lây nhiễm được tập kết tại vị trí thu gom rác thải. Bệnh viện đã ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực để vận chuyển xử lý rác thải y tế nguy hại theo đúng quy định.
Bệnh viện A Thái Nguyên phân nguồn và xử lý các loại rác thải, nhất là rác thải y tế độc hại, theo đúng quy trình. |
Tương tự, tại Bệnh viện A Thái Nguyên, việc thu gom và xử lý rác thải y tế độc hại cũng được thực hiện rất bài bản. Bác sĩ Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho hay: Các loại rác thải được phân loại ngay tại nơi phát sinh. Riêng loại rác thải y tế độc hại được đưa vào thùng rác màu vàng, đậy kín. Trước khi thu gom, vận chuyển, loại rác này được đóng vào túi nilon 2 lớp. Nhân viên Khoa Nhiễm khuẩn của Bệnh viện được phân công sử dụng xe chuyên dụng có đậy nắp kín đến thu gom rác đưa về nhà lưu giữ chất thải chung của Bệnh viện, sau đó bàn giao cho đơn vị xử lý.
Như chúng ta đã biết, rác thải y tế nguy hại có nguy cơ làm lây lan và bùng phát dịch bệnh ra cộng đồng. Bởi vậy, để thực hiện có hiệu quả việc xử lý rác thải y tế nguy hại, hạn chế thấp nhất sự lây lan, phát tán mầm bệnh, trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của các cơ sở y tế, ngành Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tại các bệnh viện, phòng khám… cũng như các đơn vị xử lý rác thải y tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin