Còn nhiều cơ sở chế biến gỗ vi phạm về đất đai

Dương Hưng 12:30, 10/11/2022

Với lợi thế trong phát triển trồng rừng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở chế biến, sản xuất gỗ băm, gỗ bóc được hình thành. Tuy nhiên có nhiều cơ sở vi phạm về đất đai (như đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng) và hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường.

Hành vi san lấp đất sai quy định để xây dựng nhà xưởng chế biến gỗ băm của bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh ở xóm Tiền Phong, xã Đức Lương, đã bị UBND huyện Đại Từ xử phạt hành chính 20 triệu đồng.
Hành vi san lấp đất sai quy định để xây dựng nhà xưởng chế biến gỗ băm của bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh ở xóm Tiền Phong, xã Đức Lương, đã bị UBND huyện Đại Từ xử phạt hành chính 20 triệu đồng.

Đầu tháng 7-2022, UBND huyện Đại Từ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, trú tại thị trấn Hùng Sơn, với số tiền 20 triệu đồng về hành vi hủy hoại đất (làm biến dạng địa hình), đồng thời yêu cầu khắc phục lại hiện trạng ban đầu. 

Trước đó, bà Anh có đơn xin cấp Giấy phép hoạt động của cơ sở chế biến gỗ băm tại xóm Tiền Phong, xá Đức Lương (Đại Từ). Tuy nhiên, khi chưa được cơ quan chức năng cho phép san lấp trên phần diện tích chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bà Anh đã tiến hành san gạt, đổ bê tông làm xưởng chế biến gỗ băm. Mảnh đất trên do bà Anh mua lại của người dân địa phương với diện tích hơn 2.000m2, trong đó có 400m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Hiện nay, bà Anh chưa khắc phục lại hiện trạng ban đầu theo yêu cầu của UBND huyện Đại Từ mà còn tiếp tục đổ bê tông để dựng nhà xưởng chế biến gỗ băm.

Còn xưởng chế biến gỗ băm của ông Phạm Vũ Dự, ở xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai) đã hoạt động từ năm 2021 thì vi phạm về đất đai (chưa chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất dịch vụ). Trên phần đất này, ông Dự đã xây dựng nhà ở cho công nhân nghỉ ngơi, xưởng chứa gỗ bóc, gỗ băm và lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất. Ông Dự cho biết: Chúng tôi mới hoàn thành và được cấp Giấy chứng nhận an toàn  phòng cháy, chữa cháy, kế hoạch bảo vệ môi trường. Còn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì chưa hoàn thành. Bởi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất này đã thế chấp vay vốn ngân hàng nên chưa thể rút về để làm thủ tục chuyển đổi sang đất ở và đất kinh doanh.

Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường thông tin: Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 xưởng chế biến gỗ băm của ông Phạm Vũ Dự và của Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Việt Trung, ở xóm Bình Sơn. Qua kiểm tra, cả 2 cơ sở đều vi phạm về đất đai (chưa chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất kinh doanh), có cơ sở còn thiếu cả thủ tục về bảo vệ môi trường…

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Võ Nhai cho biết: Khi tổ chức, cá nhân đăng ký mở xưởng sản xuất, chế biến gỗ thì đều phải bảo đảm về thủ tục. Chẳng hạn, người dân có 400m2 đất thổ cư hoặc đất kinh doanh, khi đăng ký chỉ xây dựng khoảng 200m2, còn lại 200m2 làm kho bãi. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, người dân thường tự ý san lấp, mở rộng thêm ngoài phần đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng và đây rõ ràng là hành vi vi phạm về quản lý đất đai. Để quản lý tốt, UBND các xã cần tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, yêu cầu các chủ cơ sở phải hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, môi trường. Nếu cơ sở nào không chấp hành thì sẽ đề nghị cho dừng hoạt động…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến gỗ băm, gỗ bóc, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và nâng cao giá trị rừng trồng cho bà con nhân dân, nhất là ở các huyện có diện tích rừng sản xuất lớn (như Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ). Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về đất đai, môi trường tại các cơ sở này sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai của các địa phương. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý để các cơ sở này hoạt động theo đúng quy định.


Từ khóa:

chế biến gỗ

đất đai