Mặt nước giữ vai trò quan trọng nhằm điều hòa không khí, thoát nước mưa, tạo không gian, cảnh quan. Do vậy, gìn giữ và phát triển hệ thống không gian mặt nước là điều mà công tác quy hoạch của tỉnh đang hướng tới để phát triển xanh.
Các dòng suối từ Vườn quốc gia Tam Đảo tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch. |
Đặc biệt, trong điều kiện môi trường sống ở các địa phương ngày càng phải chịu sức ép của khí thải, chất thải từ quá trình sinh hoạt, sản xuất thì mặt nước góp phần làm trong lành bầu không khí, giảm sự nhiễm bẩn, khử bụi và các tác động bất lợi khác tới môi trường sinh thái...
Nhu cầu không gian mặt nước không chỉ cần thiết đối với các khu đô thị đông dân cư mà ngay tại các vùng nông thôn trong tỉnh cũng trở nên bức thiết để cân bằng sinh thái. Dưới góc nhìn của các nhà quy hoạch, không gian mặt nước giúp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường tự nhiên.
Thái Nguyên là tỉnh miền núi nên có lợi thế về không gian mặt nước và độ che phủ rừng. Song, do nhu cầu phát triển công nghiệp và tốc độ đô thị hóa nhanh nên tỷ lệ không gian mặt nước, độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh mới bổ sung nhỏ hơn so với diện tích bị thu hẹp để lấy mặt bằng xây dựng các công trình.
Tỉnh hiện có những công trình lưỡng dụng có tính năng cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và cân bằng sinh thái với trữ lượng từ 3 triệu mét khối nước trở lên, như các hồ: Núi Cốc, Cây Xi (TP. Thái Nguyên); Bảo Linh, Làng Gầy, Bản Piên, Nà Tấc, Bó Vàng, Suối My (Định Hóa); Gành Chè (TP. Sông Công) và Đoàn Ủy, Khuôn Nanh, Gò Miếu, Cây Vĩ, Phú Xuyên (Đại Từ)…
Đặc biệt, toàn tỉnh có 719 hồ, đập quy mô nhỏ nhưng tạo được mặt nước cả 4 mùa trong năm. Trong đó, huyện Võ Nhai có 114 hồ, đập; huyện Phú Lương 159 hồ, đập; huyện Phú Bình có 126 hồ, đập…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có diện tích hàng trăm héc-ta mặt nước của các sông, suối chảy qua. Tổng mặt nước trên địa bàn tỉnh là một nguồn tài nguyên quý giá để phục vụ sinh hoạt, phát triển trồng trọt, giao thông, thương mại và là một phần của cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, vì mặt nước thường được các tổ chức, cá nhân coi là yếu tố hiển nhiên nên quá trình sinh hoạt, sản xuất đã gây ra những tác động xấu dẫn tới ô nhiễm nguồn nước, cạn kiệt nước và làm biến đổi cảnh quan mặt nước tự nhiên.
Do vậy, chủ đề về bảo vệ môi trường hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì, bảo vệ mặt nước trong phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng đối với các đô thị trong tỉnh: TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công, chính quyền đã, đang đề cao phương án phát triển cảnh quan môi trường, gắn với mặt nước nên các dự án khu dân cư, khu đô thị và cả khu, cụm công nghiệp đều dành diện tích để xây dựng hồ điều hòa, khuôn viên cây xanh.
Mặt nước là một phần vốn có của cảnh quan và có mối quan hệ cộng sinh với cây xanh để tạo giá trị tuyệt vời cho không gian sống, tăng cường sức khỏe của con người. Thiếu không gian mặt nước, không khí sẽ trở nên ngột ngạt, nhất là vào những ngày Hè. Chính vì vậy, chiến lược quy hoạch của tỉnh đã bổ sung các điểm công viên cây xanh và tôn tạo các hồ, đập, sông, suối sẵn có; bổ sung hồ nước mới vào cảnh quan, để mặt nước đóng một vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin