Hãy ứng xử có “văn hóa” với môi trường

Nhóm P.V 17:31, 04/06/2023

Không khí và nước là 2 thứ không thể tách rời sự sống của con người. Trong quá trình phát triển, con người luôn hòa nhập và có nhiều hoạt động tác động trực tiếp đến môi trường. Việc ứng xử có “văn hóa” với môi trường sẽ giúp chất lượng không khí, nguồn nước được đảm bảo, con người phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp vẫn còn ứng xử chưa có “văn hóa”, gây tác động tiêu cực tới môi trường.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên là một trong những doanh nghiệp có lượng chất thải công nghiệp phát sinh khá lớn,
nhưng đơn vị thực hiện khá tốt trong khâu xử lý để bảo vệ môi trường (Ảnh: Tư liệu)
Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên là một trong những doanh nghiệp có lượng chất thải công nghiệp phát sinh khá lớn, nhưng đơn vị thực hiện khá tốt khâu xử lý để bảo vệ môi trường (Ảnh: Tư liệu)

Người dân chưa quan tâm

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là hơn 1.000 tấn. Trong đó, rác thải nhựa (khó phân hủy) chiếm khoảng 30-35%; tỷ lệ thu gom, vận chuyển đi xử lý đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, tỷ lệ được xử lý (đốt) chỉ chiếm khoảng 45-50%, còn lại là chôn lấp. Lượng rác còn lại được người dân tự xử lý theo hình thức đốt, chôn lấp tại gia đình hoặc vứt bừa bãi ra sông, suối…

Theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi tại một số địa phương, ở cả khu vực thành thị và nông thôn, không ít người dân vẫn chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi.

Ngay như tại TP. Thái Nguyên, với hơn 300.000 nhân khẩu, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 270 tấn mỗi ngày. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt để vận chuyển đi xử lý của TP. Thái Nguyên đạt hơn 95%, với khoảng 90% số hộ dân nộp tiền phí dịch vụ xử lý rác.

Thời gian qua, tình trạng vứt rác thải sinh hoạt, đổ trộm chất thải xây dựng, gây mất về sinh môi trường và mỹ quan đô thị vẫn diễn ra ở một số tuyến đường mới, như: Việt Bắc kéo dài, Bắc Sơn kéo dài...

Rác thải sinh hoạt, chất thải xây dựng đổ trộm trên đường Bắc Sơn kéo dài, đoạn quan phường Tân Thịnh (TP.Thái Nguyên).
Rác thải sinh hoạt, chất thải xây dựng bị đổ trộm trên đường Bắc Sơn kéo dài, đoạn qua phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên).

Ngoài ra, ở một số địa phương khác, như: TP. Phổ Yên (đoạn đường đê chạy qua phường Đông Cao), Quốc lộ 37 (đoạn qua phường Lương Sơn, TP. Sông Công) và một số địa điểm khác, dù chính quyền địa phương cắm biển cấm xả rác, nhưng người dân vẫn không tuân thủ…

Xả chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra sông, suối

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 trang trại, gia trại chăn nuôi. Trong đó, có khoảng 300 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn (khoảng 120 trang trại có quy mô chăn nuôi từ 1.000 con lợn trở lên). Số trang trại này tập trung ở các địa phương, như: Phổ Yên, Sông Công, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ…

Suối Lọc Lạnh, chảy qua địa bàn xóm Tân Lập trước đây rất trong lành, có thể sử dụng tắm, giặt. Nhưng khoảng 4 năm nay thì bị “bức tử” bởi một số trang trại chăn nuôi. Trong đó, có trang trại của ông Dương Công Tuấn, nhà ở xã Cát Nê xả trực tiếp chất thải xuống suối. Người dân trong xóm đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền xử lý, nhưng không được giải quyết triệt để. Chúng tôi đồng ý, ửng hộ phát triển kinh tế, nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, nếu gây ô nhiễm thì phải cho dừng hoạt động chứ để kéo dài như thể này, rất khổ người dân.
Bà Nguyễn Thị Dậu, ở xóm Tân Lập, xã Cát Nê (Đại Từ): Suối Lọc Lạnh, chảy qua địa bàn xóm Tân Lập trước đây rất trong lành, có thể sử dụng để tắm, giặt. Nhưng khoảng 4 năm nay thì bị “bức tử” bởi một số trang trại chăn nuôi. Người dân trong xóm đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền xử lý, nhưng không được giải quyết triệt để. 

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở các dòng suối do chất thải chăn nuôi gây ra khá trầm trọng. Trong đó, không ít trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng vẫn tái phạm.

Ông Ngô Đình Dục, người dân xóm Tân Lập, xã Cát Nê (Đại Từ), chia sẻ: Trang trại của ông Dương Công Tuấn, ở xóm Tân Lập đã làm ô nhiễm suối Lọc Lạnh chảy qua địa bàn xã Cát Nê. Đầu năm 2022, doanh nghiệp này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, với số tiền hơn 55 triệu đồng. Tuy vậy, thời gian gần đây, mùi hôi thối không còn phát tán nhiều, nhưng nước thải chăn nuôi chưa được xử lý triệt để vẫn chảy ra suối.

Tương tự, trang trại của bà Nguyễn Thị Mại ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) bị cơ quan chức năng của tỉnh nhiều lần xử phạt. Trong đó, năm 2021, xử phạt và truy thu số tiền hơn 860 triệu đồng. Đến giữa năm 2022, trang trại của bà Nguyễn Thị Mại tiếp tục bị xử phạt hơn 800 triệu đồng với nhiều lỗi, trong đó có việc xả chất thải chăn nuôi không qua xử lý ra suối, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, có quyết định tạm dừng hoạt động chăn nuôi của trang trại trong vòng 7 tháng 15 ngày.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, thông tin: Sau nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt và yêu cầu tạm dừng hoạt động chăn nuôi, đến nay, bà Mai đã cơ bản chấp hành các quy định nộp phạt, đầu tư hệ thống xử lý chất thải nên hiện tại đã đỡ mùi hôi thối, không xả trực tiếp chất thải ra môi trường.

Trang trại ở xóm Na Vùng, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), có quy mô chăn nuôi hàng trăm con lơn, nhưng hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo nên người dân liên tục phản ánh ô nhiễm.
Một trang trại ở xóm Na Vùng, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) có quy mô chăn nuôi hàng trăm con lợn, nhưng hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường.

Trong quá trình tìm hiểu của chúng tôi, một số trang trại có báo cáo tác động môi trường; cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường, nhưng thực tế, khi đi vào hoạt động thì không thực hiện đúng, gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể như trang trại của ông Tạ Văn Thuần, có địa chỉ ở xóm Đại An, xã Nga My (Phú Bình) gây ô nhiễm, phát tán mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đất trồng lúa của bà con, khiến người dân bức xúc, nhiều lần phản đối. Khi chính quyền kiểm tra, chủ trang trại này có cung cấp được kế hoạch và cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải và thực hiện chưa đúng theo cam kết.

Ông Nguyễn Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên): Trên địa bàn xã có 11 trang trại chăn nuôi. Phần lớn có báo cáo tác động môi trường; kế hoạch, cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vừa qua, khi cơ quan chức năng của tỉnh về kiểm tra thì hầu hết các trang trại đều vi phạm quy định về bảo vệ môi trường… 

Theo người một số người dân trong xóm Đại An, đầu tháng 5 vừa qua, cơ quan chức năng của huyện, tỉnh về kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trang trại này, với số tiền hàng trăm triệu đồng…

Doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ

Không chỉ các trang trại, những năm qua, không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng bị cơ quan chức năng xử lý vì hành vi xả trộm nước thải không qua xử lý ra môi trường.

Điển hình như, năm 2019, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) đã bắt quả tang Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ, ở phường Quán Triều (TP. Thái Nguyên) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Cầu. Điều này gây nguy cơ ô nhiễm rất lớn đến nguồn nước sông Cầu. 

Hay như, năm 2019, Mỏ sắt Cây Thị (thuộc Công ty CP Kim Sơn) trong quá trình khai thác, tuyển rửa quặng sắt đã xả thải, gây nhiễm trầm trọng suối Ngàn Me. Cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, xử lý, nhưng chỉ được một thời gian ngắn.

Sau đó, đến năm 2020, Công ty CP Kim Sơn bị tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 260 triệu đồng và yêu cầu hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường. Từ đó đến nay, tình trạng xả thải, gây ô nhiễm môi trường suối Ngàn Me của Công ty đã giảm đáng kể.

Cần “xử lý nghiêm, giám sát chặt”

Theo đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), trong những năm qua, Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường.

Đó là việc triển khai Đề án “Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020" và Đề án "Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025". Qua đó nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng triển khai các giải pháp ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Có thể thấy, các chất thải, nước thải xả ra môi trường đều có tác động trực tiếp đến chất lượng không khí, nguồn nước. Theo các chuyên gia về môi trường, việc ứng xử của con người với môi trường có tác động qua lại. Nếu con người có ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường, chất lượng không khí, chất lượng, nguồn nước đảm bảo thì sức khỏe của chúng ta sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Tuy nhiên, để người dân, doanh nghiệp hiểu, tự giác thực hiện thì cần một quá trình lâu dài trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức. Đồng thời, cơ quan chức năng cần phải giám chặt chẽ doanh nghiệp sản xuất, cơ sở chăn nuôi trước khi đi vào hoạt động và xử lý nghiêm vi phạm hoặc có thể cho dừng hoạt động nếu tái phạm…