Nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân ngày càng lớn, kéo theo việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa cũng tăng cao. Đây là chất khó phân hủy nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người (các hạt vi nhựa dễ dàng ngấm vào nước, thức ăn và đi vào cơ thể). Vì vậy, việc giảm rác thải nhựa đã và đang là vấn đề cấp bách với toàn xã hội.
Hệ thống Siêu thị Minh Cầu sử dụng túi dùng nhiều lần để đựng hàng cho khách. |
Hiện nay, mỗi ngày trên địa bản tỉnh phát sinh khoảng 750 - 950 tấn rác thải sinh hoạt (rác thải nhựa chiếm khoảng 2-3%), tập trung chủ yếu ở một số địa phương, như: TP. Thái Nguyên (230 - 260 tấn); TP. Phổ Yên (khoảng 80 tấn); TP. Sông Công (khoảng 40 tấn); huyện Đại Từ (50 tấn). Trong quá trình phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa cao, lượng rác thải rắn sinh hoạt ở các địa phương cũng tăng mỗi năm từ 5-10%.
Ông Phạm Bình Công, Phó Giám đốc Sở tài Nguyên và Môi trường, chia sẻ: Thái Nguyên đặc biệt quan tâm xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó có việc giảm thải rác thải nhựa để tránh ô nhiễm môi trường. Từ năm 2018, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành đều có văn bản tham mưu về các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa và bước đầu đã đem lại hiệu quả. Năm 2019, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào Chống rác thải nhựa với sự tham gia của hơn 1.000 người, 300 cơ quan, đơn vị ký cam kết triển khai. Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai xuống các phường, xã, thị trấn, khu dân cư.
Nhờ đó, hiện nay hầu hết các cơ quan đã cơ bản thay thế việc sử dụng chai nhựa dùng một lần bằng chai, bình thủy tinh, bình kim loại; sử dụng màn hình ti vi, màn chiếu, phông vải thay thế phông nền biểu ngữ in bằng bạt nhựa tại các hội nghị, hội thảo, sự kiện. Các siêu thị, cửa hàng tiện dụng đã sử dụng túi sinh học dễ phân hủy, túi giấy thay thế các loại túi ni lông. Tổ chức thu hồi bao bì sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa để quản lý theo quy định.
Để thực hiện hiệu quả, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, giảm phát sinh rác thải nhựa, Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với các địa phương xây dựng những mô hình bảo vệ môi trường. Hiện nay, có 186 mô hình tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì 2.700 câu lạc bộ "Gia đình 5 không, 3 sạch", thành lập mới các câu lạc bộ "Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường - xây dựng nông thôn mới", mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”, “Chi hội phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”…
Đặc biệt, nhiều người dân có ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Chị Nguyễn Phạm Thị Thái Thanh, chủ của hàng cháo dinh dưỡng Gia Bảo ở đường Bến Tượng (TP. Thái Nguyên), cho biết: Trước đây, tôi sử dụng cốc nhựa. Còn hơn 1 năm trở lại đây, cửa hàng của tôi sử dụng cốc giấy. Mặc dù giá của cốc giấy cao hơn 3-4 lần so với cốc nhựa, nhưng đựng thực phẩm vào cốc nhựa (loại dùng 1 lần) sẽ không đảm bảo, vì các hạt nhựa dễ bị ngấm vào cháo, súp khi nóng. Bên cạnh đó, cốc nhựa rất lâu phân hủy và dễ gây ô nhiễm môi trường.
Hơn 1 năm nay, bà Nguyễn Thị Thái (nhà ở phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên) lựa chọn túi đựng sinh học tự hủy để sử dụng. |
Chị Vũ Thị Hằng, kế toán Siêu thị Minh Cầu, cho biết: Hệ thống Siêu thị Minh Cầu đều bày bán các loại sản phẩm bao bì sử dụng nhiều lần, túi đựng thực phẩm sinh học tự hủy để giảm dùng túi ni lông. Trước đây, đối với bao bì dùng nhiều lần, khách hàng sẽ phải trả phí 7.000 đồng, nhưng hiện nay đã miễn phí. Đặc biệt, khách hàng mang túi đựng nhiều lần của hệ thống Siêu thị Minh Cầu còn được trừ 1.000 đồng vào hóa đơn thanh toán…
Theo đánh giá của hệ thống Siêu thị Minh Cầu, hiện khoảng 50% khách hàng đã dùng bao bì sử dụng nhiều lần thay cho túi ni lông khi đến mua sắm tại đây.
Hàng năm, thế giới sản xuất hơn 400 triệu tấn sản phẩm nhựa, trong có hơn 50% sử dụng 1 lần và chỉ có 10% được tái chế. Còn lại được đem đi chôn lấp, đốt, vứt xuống sông, suối. Quá trình rác thải nhựa phân hủy tạo ra các hạt Microplastics (hạt nhựa) đi vào thức ăn, nguồn nước, không khí, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người…
Việc triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiên nay lượng rác thải nhựa phát sinh hàng ngày vẫn rất lớn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về hạn chế sử dụng túi ni long, đồ dùng nhựa sử dụng 1 lần; có chính sách ưu tiên, khuyến khích các đơn vị sản xuất bao bì, túi đựng bằng những vận liệu thân thiện với môi trường, dễ phân hủy.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin