Phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa cả chính thức và không chính thức tại các hộ gia đình, cộng đồng. Chính vì vậy, cần nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong quản lý rác thải nhựa, góp phần từng bước hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bền vững và hiệu quả ở Việt Nam.
Phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa cả chính thức và không chính thức tại các hộ gia đình, cộng đồng. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ) |
Ô nhiễm nhựa đã và đang trở thành thách thức lớn nhất hiện nay đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó chỉ có 10% loại rác thải này được tái chế, 90% số còn lại được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt. Do vậy, ô nhiễm nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng; trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Kim Dung: Giới và bảo vệ môi trường là những vấn đề liên ngành cần sự chung tay của các quốc gia và toàn xã hội. Bình đẳng giới và bảo vệ môi trường đã được đề cập trong Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có giải pháp: Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền trẻ em trong lĩnh vực môi trường; tăng cường vai trò, vị thế của phụ nữ trong bảo vệ môi trường...
Là một tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện trong nhiều năm qua, với các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”; “Chống rác thải nhựa”…
Đáng mừng, nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo chống rác thải nhựa đã được các cấp hội tích cực triển khai như: Thu gom, phân loại, xử lý rác thải; tái chế rác thải nhựa, khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của các tổ chức hội góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm nhựa, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường của cộng đồng.
Đánh giá của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, trong các chiến lược phát triển quốc gia và chính sách phát triển ngành của nước ta, giới và môi trường nói chung, phụ nữ và môi trường nói riêng là một trong những vấn đề xuyên suốt, đồng thời là mục tiêu quan trọng được xác định. Trong công việc, cuộc sống hằng ngày, phụ nữ tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nam giới, với bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới, cho nên phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, nhất là môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.
Tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, phụ nữ thường dễ gặp vấn đề về sức khỏe do sự phơi nhiễm của các chất ô nhiễm; tỷ lệ các ca ung thư cá biệt (nhất là ung thư vú), sự rối loạn khả năng sinh sản và suy nhược mạn tính là một số vấn đề thường gặp phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới.
Ngoài ra, phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, nhất là phụ nữ nghèo thường ít được tiếp cận các quyền sử dụng đất, giáo dục và các dịch vụ hỗ trợ khuyến nông, tài chính… Điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước các nguồn cung tài nguyên thiên nhiên ngày càng hạn chế, cùng các vấn đề môi trường khác. Đáng chú ý, phụ nữ cũng có nguy cơ phơi nhiễm sớm hơn và lâu dài hơn, nhất là khi gia đình bị ảnh hưởng sức khỏe do môi trường, thì vai trò “kép” của phụ nữ lại nhân đôi gánh nặng.
Nhưng ở mặt khác, phụ nữ lại là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hằng ngày trong gia đình liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình; được xem là những nhà giáo dục đầu tiên cho nên nhìn từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng, hay người quản lý thì họ cũng đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sức khỏe cộng đồng.
Do vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với các cấp hội và hội viên, phụ nữ trên cả nước thời gian tới. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, gia đình và cộng đồng tham gia các hoạt động thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni-lông khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ tăng cường sử dụng lại túi ni-lông, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; vận động các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý hạn chế việc sử dụng túi ni-lông, nhựa dùng một lần trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hưởng ứng thực hiện phong trào phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Chống rác thải nhựa”…; tích cực tham gia với các cơ quan chức năng trong việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Đồng thời, chủ động đề xuất các đề án, chương trình, giải pháp nâng cao nhận thức thay đổi hành vi hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương nói chung và quản lý chất thải nhựa nói riêng.
Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Patrick Haverman cho rằng: Phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa chính thức và không chính thức tại hộ gia đình, cộng đồng. Vì vậy các cấp chính quyền và cộng đồng cần ghi nhận sự đóng góp này trong quá trình xây dựng chính sách.
Các nhà hoạch định chính sách cần có thêm nghiên cứu, dữ liệu và bằng chứng về những vấn đề liên quan đến nhựa, giới và hòa nhập xã hội nhằm tránh mọi tác động tiêu cực đối với phụ nữ; tập trung hỗ trợ quyền và sinh kế cho phụ nữ nhằm đóng góp cho các nỗ lực chuyển dịch sang một nền kinh tế nhựa bền vững hơn và mang tính tuần hoàn hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin