“Tôn vinh sự hy sinh anh dũng của những liệt sĩ TNXP Đại đội 915 là hành động thực sự rất ý nghĩa. Tôi mong điều này không chỉ bó hẹp trong sự kiện bi tráng tại khu vực ga Lưu Xá năm 1972 mà cần gắn với thành tích và phong trào TNXP nói chung qua các thời kỳ. Bởi Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi ra đời của lực lượng TNXP và chính họ đã có đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.” - Ông Lê Quảng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Thái đã nhấn mạnh với chúng tôi như vậy trong buổi trao đổi tại nhà riêng ở Hà Nội.
Trong cuốn “Lịch sử hoạt động TNXP tỉnh Thái Nguyên, 1950-2016” có đề cập nội dung: “Chấp hành chỉ thị của Phó Thủ tướng Chính phủ, chiều 23/12/1972, tại Nhà khách Uỷ ban Hành chính tỉnh (nay là Bệnh viện Điều dưỡng), đồng chí Lê Quảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kiêm Trưởng Ban Đảm bảo giao thông vận tải tỉnh đã triệu tập hội nghị khẩn cấp với lãnh đạo các ngành Quân sự, Công an, Giao thông Vận tải và Đội TNXP 91 để bàn biện pháp giải toả lương thực, hàng hoá ở các khu vực trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Sau khi nghe lãnh đạo các ngành phát biểu ý kiến, đồng chí Lê Quảng chỉ đạo tập trung lực lượng TNXP, dân quân, tự vệ khu vực T.P Thái Nguyên và toàn bộ phương tiện vận tải của Ty Giao thông làm nhiệm vụ giải toả 19.923 tấn lương thực, hàng hoá đang tồn đọng ở hai chân hàng ga Lưu xá và ga Quán Triều”.
Nhớ lại sự kiện bi tráng tại khu vực ga Lưu Xá, ông Lê Quảng kể: Thời điểm đó, đế quốc Mỹ đang tăng cường đánh phá miền Bắc, phong tỏa các cảng biển quan trọng. Do vậy, toàn bộ viện trợ của nước ngoài phải thông qua Trung Quốc, rồi đi theo đường 1B để về Thái Nguyên là trạm trung chuyển. Hàng hóa chuyển bằng tàu hỏa tới Ga Lưu Xá thì bị máy bay tiềm kích của địch bắn hỏng các đầu ghi đường ray. Hàng trăm toa tàu không thể di chuyển được. Nhận định kế hoạch của Mỹ là sẽ ném bom hủy diệt, khi đó tất cả hàng tiếp tế cho mặt trận bị phá hủy nên Chính phủ đã chỉ đạo phải giải tỏa bằng mọi giá và nhanh nhất có thể. Nhiệm vụ này được giao cho nhiều lực lượng, gồm: TNXP, Công ty Gang thép, Nhà máy điện, Xí nghiệp Hoàng Văn Thụ, Ty Giao thông và dân quân của T.P Thái Nguyên phối hợp hiệp đồng cùng thực hiện.
“Sự anh dũng hy sinh của 60 liệt sĩ TNXP tại khu vực Ga Lưu Xá năm 1972 đã được lịch sử khắc ghi và nhắc nhớ đến nhiều. Có một điều cần khẳng định thêm là sau khi kết thúc nhiệm vụ ngày hôm đó, các thành viên của Đại đội 915 đã rút ra khỏi Ga Lưu Xá theo đúng lệnh của cấp trên và di chuyển về vị trí cách đó khoảng 1,5km thì mới trúng bom dải thảm. Đó là sự kiện bi thương, là mất mát lớn nhất về người của lực lượng TNXP trong kháng chiến chống Mỹ nhưng cũng là giây phút làm nên lịch sử hào hùng. Nhiều đoàn kiểm tra, rút kinh nghiệm của Trung ương về sự kiện này sau đó đều kết luận là phải làm sao để mọi người thấy rõ đây là tội ác dã man của đế quốc Mỹ.” - Ông Quảng nhấn mạnh.
Tham gia nhiều cuộc hội thảo, đóng góp ý kiến về sự kiện 60 TNXP hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Ga Lưu Xá đêm 24/12/1972, ông Quảng đều khẳng định: Với vai trò nguyên là lãnh đạo tỉnh và cũng là một nhân chứng lịch sử, tôi cho rằng Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên có chủ trương tôn tạo, mở rộng Di tích Đại đội TNXP 915 hy sinh tại Lưu Xá; biên soạn cuốn sách lịch sử về sự kiện này cùng nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ Đại đội 915 nói riêng, những đóng góp to lớn của TNXP nói chung là việc làm hết sức ý nghĩa và đáng trân trọng. Tôi đã đọc rất kỹ bản thảo cuốn sách lịch sử và thấy nhiều thông tin tư liệu quý, điều đó cho thấy nhóm tác giả biên soạn đã rất nỗ lực và nghiêm túc trong việc sưu tầm và chọn lọc thông tin. Ngoài những hoạt động kể trên, tôi mong các cấp chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giải quyết chế độ chính sách và chăm lo đời sống của những cựu TNXP khi trở về đời thường. Họ vốn chịu rất nhiều thiệt thòi, nhất là chị em phụ nữ. Nhiều người sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị, chuyển ngành hoặc trở về quê cũ phải sống trong cảnh neo đơn, kinh tế hết sức khó khăn. Nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thôi thì không đủ, cần phải có vận động từ các tổ chức đoàn thể và nhiều nguồn lực khác để giúp đỡ anh chị em. Chúng ta đã làm tốt việc nhắc nhớ rồi, thì phải có hành động tri ân bằng những việc làm thiết thực hơn nữa.