Công nghiệp Thái Nguyên “vào đà” khởi sắc

07:34, 17/06/2022

Trong quý II/2022, do tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt và hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nên giá trị sản xuất công nghiệp dần khởi sắc, với mức tăng trưởng đạt trên 9%. Đây là kết quả khả quan, tạo đà để Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với các địa phương trong cả nước, Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn, thử thách trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt cùa Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện "mục tiêu kép" nên kinh tế - xã hội (KT-XH) vẫn đạt được những kết quả tích cực. Trong đó sản xuất công nghiệp là một trong những lĩnh vực có nhiều khởi sắc.

Theo dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 389,1 nghìn tỷ đồng, tăng trên 9% so với cùng kỳ năm 2021, bằng 42,3% kế hoạch cả năm. Trong đó, công nghiệp Nhà nước Trung ương ước đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8%; công nghiệp địa phương ước đạt trên 17 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ và bằng 42,7% kế hoạch cả năm; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 357,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

Còn theo ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn 5 tháng đầu năm của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, IIP của Thái Nguyên tăng 9,1% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6%. Nhóm các sản phẩm có sản lượng sản xuất ước tính tăng trên 10% so với cùng kỳ đó là: Vonfram và sản phẩm của Vonfram đạt 9,4 nghìn tấn, tăng 47,1%; camera truyền hình đạt 35,6 triệu sản phẩm, tăng 29,5%; may mặc đạt 37,7 triệu sản phẩm, tăng 19,3%.

Nhóm sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng dưới 10% so với cùng kỳ, bao gồm: Tai nghe đạt 23,4 triệu sản phẩm, tăng 8,7%; điện thoại thông minh đạt 41,4 triệu sản phẩm, tăng 7,7%; điện thương phẩm đạt 2.148 triệu kWh, tăng 4,8%; xi măng đạt 1,2 triệu tấn, tăng 1,6%; than khai thác đạt 614,9 nghìn tấn, tăng 0,8%...

Sản xuất Mangan và Feromangan tại Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Trung Thành (Khu công nghiệp Sông Công I, phường Bách Quang, TP. Sông Công).

Đánh giá về mức tăng trưởng trong hoạt động sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2022, ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, nói: Tiếp nối kết quả đạt được của tháng 4-2022, tình hình KT-XH tháng 5 của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khởi sắc. Nhiều hoạt động kinh tế có mức tăng trưởng cao, như: Sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, xuất khẩu hàng hoá, doanh thu và sản lượng vận tải… Trong đó, sản xuất công nghiệp có sự vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm, thì trong 6 tháng còn lại, Thái Nguyên phải đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên 531 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ và tăng 36,4% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Nếu sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm vẫn duy trì được tốc độ tăng trường như hiện nay thì Thái Nguyên sẽ hoàn thành được mục tiêu kế hoạch cả năm 2022 là tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9%. "Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nguyên vật liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất có xu hướng tăng cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn." - Ông Trần Quang cho biết thêm.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2022, trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9%... ngay trong những ngày đầu tháng 6, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đề xuất giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đối với từng khu vực kinh tế, ngành, lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư sản xuất công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng và đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; ưu tiên nhóm ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển KT-XH của tỉnh; tập trung cao độ triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên…

Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục sự, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt và sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ là đòn bẩy giúp Thái Nguyên hoàn thành tốt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay.