Giá thép liên tục giảm, trong khi giá nguyên vật liệu tăng cao, lượng hàng tồn kho lớn… những yếu tố này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh. Đối diện với những khó khăn trên, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động thích ứng để vượt qua giai đoạn căng thẳng này…
Sản xuất thép tiền chế tại Công ty CP Thương mại thép Việt Cường. |
Ông Nguyễn Xuân Tốt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh, cho biết: Các nguyên liệu như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên như than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu. Trong đó, nguyên nhân chính tác động đến tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp ngành Thép là do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine nên giá các nguyên nhiên liệu liên tục tăng cao, lập đỉnh mới.
Mặt khác, giá bán thép thành phẩm lại liên tục giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, bởi càng sản xuất càng lỗ. Tính đến cuối tháng 8-2022, sau khi trải qua nhiều đợt điều chỉnh giảm giá, hiện giá thép trên thị trường đang dao động khoảng 14-15 nghìn đồng/kg, tương đương mức giá của năm 2019. Giá nguyên liệu đầu vào lớn hơn giá thành phẩm khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm ít nhất khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Chu Phương Đông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (huyện Đồng Hỷ) cho rằng: Không chỉ gặp khó về giá nguyên nhiên liệu tăng, các doanh nghiệp luyện kim còn chịu tác động lớn khi cước phí vận chuyển tăng đến 30%, ngân hàng thì siết chặt chính sách cho vay…
Từ tháng 4-2022 tới nay, Công ty TNHH thép Xuân Trường bán cắt lỗ trên 100 tấn thép xây dựng. |
Trước bối cảnh khó khăn này, không ít doanh nghiệp luyện kim phải “gồng mình” hoặc giảm hoạt động để tránh thua lỗ. Đây chính là tình trạng chung của các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên, Công ty TNHH Trung Thành, Công ty CP Thương mại Thái Hưng… Tại các đơn vị này, hiện đang tồn một lượng hàng khá lớn, dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt, gây khó khăn cho việc duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, chia sẻ: Thời điểm này, do nhu cầu về thép xây dựng thấp nên lượng hàng bán ra rất thấp, số lượng tồn kho của đơn vị còn nhiều. Công ty bắt buộc phải cắt giảm sản lượng, tạm dừng một số dây chuyền cán thép kết hợp sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị...
Mặc dù giá thép giảm mạnh nhưng sức tiêu thụ trên thị trường lại không lớn. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Minh Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH thép Xuân Trường (TP. Thái Nguyên), nói: Thời điểm này, các loại vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát... đều tăng giá khiến người dân, doanh nghiệp có kế hoạch xây nhà, thi công dự án đều phải tính toán lại và chờ đến khi thị trường "hạ nhiệt", hoặc bình ổn giá.
Còn với các đại lý, nhà phân phối thép, thời điểm này họ cũng không dám “ôm” hàng vì lo sợ thua lỗ. Hiện, các nhà phân phối, đại lý đang tìm cách giảm lượng hàng tồn kho bằng cách bán cắt lỗ, hoặc chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết, đáp ứng vừa đủ nhu cầu của khách hàng.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp luyện kim đang nỗ lực thực hiện những giải pháp chiến lược như tìm nguồn nguyên liệu thay thế, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường...
Ông Nguyễn Minh Hạnh cho biết thêm: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước đổi mới công nghệ, sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu để hạ giá thành sản phẩm. Về tiêu thụ sản phẩm, Công ty xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm giá bán cạnh tranh, linh hoạt theo thị trường từng vùng, địa phương; xây dựng hệ thống phân phối có tính ổn định và phát triển lâu dài; tổ chức hỗ trợ và chia sẻ hài hòa lợi ích với các nhà phân phối.
Đồng quan điểm, ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Thương mại Thép Việt Cường, một trong những nhà cung cấp thép xây dựng, thép cuộn, thép tấm và thép hình uy tín tại TP. Phổ Yên, nêu quan điểm: Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp cần quản lý tốt về chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo uy tín với khách hàng và hiệu quả tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời duy trì và phát triển có chọn lọc các nguồn cung cấp dịch vụ và vật tư, nguyên vật liệu đảm bảo các chỉ tiêu về kỹ thuật, chí phí và hiệu quả sử dụng. Thêm nữa, doanh nghiệp cũng cần thực hành tiết kiệm, giảm thiểu các chi phí không cần thiết, khống chế tốc độ tăng chi phí đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin