Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước (sau Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh và Thanh Hóa) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
Một góc đô thị trung tâm TP. Thái Nguyên nhìn từ trên cao. |
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 352.196ha, với 9 đơn vị hành chính gồm: 3 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 6 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình). Ranh giới tọa độ địa lý từ 20020’ đến 22025’ vĩ độ Bắc, từ 105025’ đến 106016’ kinh độ Đông. Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn; phía Nam tiếp giáp với thành phố Hà Nội; phía Tây tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang.
Về mục tiêu tổng quát: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội...
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050: Phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; quy mô kinh tế (GRDP) đạt khoảng 13,5 tỷ USD; nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 khoảng 45 tỷ USD.
Cơ cấu kinh tế GRDP ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60%; ngành dịch vụ chiếm 32,8%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 7,2%. GRDP bình quân/người đạt khoảng 8.900 USD (giá hiện hành).
Tỷ lệ lao động theo ngành kinh tế: Ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 37%, ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm 27%, ngành dịch vụ chiếm 36%.
Về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường
Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,52 triệu người.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 48,5%, đến năm 2030 đạt 61,7%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt trên 80%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 37%.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2030 là 95%.
Tỷ lệ bác sỹ /10.000 dân là 19 người.
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng. |
Các đột phá phát triển của tỉnh
Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.
Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ.
Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh.
Quan tâm, triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; phát triển tiềm năng về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Quy hoạch tỉnh cũng nêu rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; các nhóm giải pháp chủ yếu; bản đồ quy hoạch...
Với việc Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là căn cứ để tỉnh triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật có liên quan…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin