Chuyển đổi số ở Sông Công: Kết nối chính quyền với nhân dân

Thu Hà 11:36, 13/03/2023

Thời gian qua, TP. Sông Công đã tích cực triển khai các giải pháp phát triển chính quyền điện tử, làm nền tảng hướng tới chính quyền số. Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cán bộ xã Bá Xuyên hướng dẫn người dân lấy số thứ tự thực hiện các thủ tục hành chính.
Cán bộ xã Bá Xuyên hướng dẫn người dân lấy số thứ tự thực hiện các thủ tục hành chính.

Chỉ chưa đầy 24 giờ sau kiến nghị trên ứng dụng Sông Công Smart City của anh Nguyễn Văn Hùng về việc một bãi rác sinh hoạt tại xã Bình Sơn không được thu gom, tràn ra đường, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xử lý theo quy định.

Anh Hùng cho biết, trước đây chưa có tiện ích phản ánh kiến nghị trực tuyến, mỗi lần cần phản ánh vấn đề gì đó, người dân phải lên UBND xã hoặc qua nhiều cơ quan, bộ phận để trình bày, rất mất thời gian, mất công. Nhưng bây giờ, ứng dụng này rất tiện lợi, mỗi người dân có thể dễ dàng phản ánh đến các cấp, ngành chức năng chỉ với một chiếc điện thoại thông minh.

Sông Công Smart City là ứng dụng của Trung tâm Điều hành thông minh TP. Sông Công được đưa vào sử dụng từ tháng 4-2022. Trung tâm bao gồm 11 lĩnh vực giám sát, điều hành: Hệ thống giám sát chỉ tiêu kinh tế - xã hội; hành chính công; văn bản điện tử; y tế; giáo dục; thông tin mạng xã hội; phản ánh hiện trường; camera an ninh và giao thông (tích hợp AI); quản lý cây xanh; cổng thông tin điện tử; du lịch thông minh.

Đến nay, việc đi vào vận hành, hoạt động chính thức của Trung tâm đã đóng góp tích cực cho việc kết nối trực tuyến chính quyền - nhân dân; phân tích, giám sát các dữ liệu về kinh tế - xã hội. Qua đó cung cấp những thông tin quan trọng, đưa ra các cảnh báo, hỗ trợ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn của thành phố.

Cùng với đó, việc vận hành Trung tâm cũng góp phần giúp thành phố hoàn thành chỉ tiêu, tiêu chí về chuyển đổi số (CĐS) theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về CĐS tỉnh, đề án, kế hoạch mà thành phố đã ban hành.

Trung tâm Điều hành thông minh TP. Sông Công bao gồm 11 lĩnh vực giám sát, điều hành đã đóng góp tích cực cho việc kết nối trực tuyến chính quyền - nhân dân; phân tích, giám sát các dữ liệu về kinh tế, xã hội.
Trung tâm Điều hành thông minh TP. Sông Công bao gồm 11 lĩnh vực giám sát, điều hành đã đóng góp tích cực cho việc kết nối trực tuyến chính quyền - nhân dân; phân tích, giám sát các dữ liệu về kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh, để thúc đẩy CĐS, trước đó TP. Sông Công ban hành nhiều kế hoạch, văn bản, đề án, quan tâm đào tạo cán bộ, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, hạ tầng CNTT của thành phố từng bước được hoàn thiện, 100% phòng, ban, đơn vị đã ứng dụng CNTT trong điều hành, xử lý công việc. Cán bộ, công chức, viên chức đều được trang bị máy tính, thiết bị CNTT phụ trợ, kết nối mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ; sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn.

Thành phố Sông Công cũng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC.

100% kết quả giải quyết TTHC được thực hiện công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định. Việc hướng dẫn công dân, tổ chức nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình (tương đương mức độ 4), dịch vụ công trực tuyến một phần (tương đương thấp hơn mức độ 4) đạt tỷ lệ 98,82%; thanh toán trực tuyến đối với các hồ sơ thực hiện TTHC có phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 37,14%.

TP. Sông Công phấn đấu đến năm 2025, 95% TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 80% tổng số hồ sơ công việc cấp thành phố và trên 60% tổng số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh…

Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chánh Văn phòng HĐND, UBND TP. Sông Công, cho biết: Thời gian tới, TP. Sông Công tiếp tục xây dựng đồng bộ hạ tầng, cơ sở dữ liệu đáp ứng nhu cầu CĐS; áp dụng công nghệ phân tích quản lý dữ liệu tập trung; công khai, minh bạch và cung cấp đầy đủ dữ liệu, thông tin cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, khai thác; nâng cao chất lượng dịch vụ.