Đối với phát triển hệ thống đô thị, công tác quy hoạch luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như một “công cụ” quản lý, định hướng, “đi trước mở đường” dẫn dắt cả quá trình phát triển đô thị. Bởi vậy, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể được coi là “kim chỉ nam” cho phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh trong tương lai.
Một góc trung tâm TP. Thái Nguyên. |
Phát huy giá trị đô thị hiện hữu
Thái Nguyên hiện có 14 đô thị. Trong đó, 3 đô thị cấp tỉnh là TP. Thái Nguyên (đô thị loại I), TP. Sông Công và TP. Phổ Yên (đô thị loại III).
Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Thái Nguyên: Quy hoạch tỉnh là một cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng để các địa phương quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và làm cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị. |
10 đô thị cấp huyện của tỉnh gồm 6 thị trấn huyện lỵ: Hùng Sơn (Đại Từ) và Hương Sơn (Phú Bình) là đô thị loại IV; Đu (Phú Lương), Chợ Chu (Định Hóa), Đình Cả (Võ Nhai), Hóa Thượng (Đồng Hỷ) là các đô thị loại V và 4 thị trấn khác thuộc huyện: Trại Cau, Sông Cầu (Đồng Hỷ), Giang Tiên (Phú Lương), Quân Chu (Đại Từ) là đô thị loại V; 1 đô thị mới loại V là Điềm Thụy (Phú Bình). Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 41%.
Thời gian qua, các đô thị trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại. Các công trình có tính kết nối vùng như hệ thống giao thông, vỉa hè, cây xanh, khu dân cư, khu vui chơi, tập luyện thể dục thể thao… liên tục được xây mới, nâng cấp, cải tạo.
Nhìn nhận một cách khách quan, sự phát triển của các đô thị có giá trị tương hỗ rất lớn đối với công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là với các nhà đầu tư phát triển sản phẩm bất động sản, thương mại, dịch vụ…
Những năm gần đây, Thái Nguyên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực về tài chính, uy tín trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án lớn, như: Siêu thị GO! Thái Nguyên, Khu đô thị Danko City, Khu đô thị Thái Hưng Eco City… và rất nhiều khu đô thị, khu dân cư, dự án khác.
Thái Nguyên tập trung phát triển đô thị dọc theo Quốc lộ 3. Trong ảnh: Khu vực cửa ngõ TP. Phổ Yên. |
Động lực phát triển
Phát huy giá trị hiện có, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm phát triển đô thị, trong đó xác định quy hoạch phải đi trước một bước.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ, phương án quy hoạch hệ thống đô thị là đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển các khu chức năng (khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ thông tin tập trung; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao). Quy hoạch nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng công trình, mỹ quan, an toàn và môi trường theo quy định của pháp luật.
Tỉnh đang ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông, khu công nghiệp ở Phổ Yên, Phú Bình, Sông Công; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị đối với các đô thị có vai trò là hạt nhân cấp vùng để thúc đẩy sự phát triển đô thị ở quy mô lớn; phát triển kết nối du lịch, dịch vụ, đồng thời từng bước đầu tư xây dựng cho 2 đô thị Đại Từ và Phú Bình để hình thành thị xã trong giai đoạn kế tiếp.
Thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) hiện là đô thị loại V, phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị loại IV. |
Hiện thực hóa các mục tiêu lớn
Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng: Thái Nguyên đã và đang thực hiện những bước đi bài bản, vững chắc trong quy hoạch và phát triển đô thị. Công tác quản lý, công bố công khai, cắm mốc giới quy hoạch được triển khai kịp thời, đúng quy định… |
Phát triển đô thị là mục tiêu lớn của cả nước. Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực hiện Nghị quyết này, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 13/4/2022 với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, xác định đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%.
Từ đó, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trên cơ sở bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình Phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị, quy hoạch vẫn luôn được xác định phải “đi trước một bước”.
Tỉnh Thái Nguyên đã bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực trong công tác lập, triển khai các đồ án quy hoạch đô thị, khu chức năng. Đến nay, 100% các đô thị được lập quy hoạch chung, gần 50% diện tích đất nội thị đã được quy hoạch chi tiết. Cùng với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch chi tiết đang dần hiện thực hóa hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh - xanh - sạch - đẹp trong tương lai không xa.
Theo Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 13/4/2022, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% các đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục - đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin