Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”. Khắc ghi lời dạy của Người, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn nghiêm túc tham gia các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Công nhân Nhà máy TNG Đại Từ thi đua lao động sản xuất giỏi, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. |
Trong bối cảnh tình hình đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine... khiến áp lực lạm phát tăng cao, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định an sinh xã hội, công tác thi đua, khen thưởng được xác định là động lực của sự phát triển. Đây cũng là công cụ quan trọng tham gia xây dựng con người mới. Thi đua tác động mạnh mẽ đến tình cảm, ý thức trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào của cộng đồng và sức sáng tạo của các tập thể, cá nhân...
Công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, sự hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành, thành phần kinh tế; sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Trong năm qua, các phong trào thi đua tiếp tục được đổi mới về nội dung, phương thức tổ chức thực hiện, ngày càng đa dạng và phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện tốt, đúng quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng; các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; tổ chức đăng ký thi đua, xây dựng tiêu chí, đánh giá, phân loại thi đua; quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết, thông tin báo cáo kịp thời kết quả thực hiện phong trào thi đua.
Người dân vùng chè thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) hăng say lao động để tạo ra các sản phẩm chè chất lượng cao cung cấp cho thị trường. |
Theo đó, phong trào thi đua yêu nước và các phong trào thi đua chuyên đề đã được triển khai hiệu quả, tiêu biểu như: Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân, xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa… Đến nay, toàn tỉnh có 4 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (gồm TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình); 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 85,7%); 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 88 xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 18,2 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bên cạnh thực hiện tốt phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, Thái Nguyên tiếp tục thực hiện tốt các phong trào: “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Mái ấm tình thương”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo”...
Thiết thực triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung của Đề án văn hóa công vụ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến cán bộ, công chức, viên chức, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Cùng với đó, phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” được triển khai sâu rộng, nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, công tác thi đua - khen thưởng đã góp phần tích cực để Thái Nguyên đạt được những kết quả toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, tạo thế và lực vững chắc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,59% so với năm 2021 (vượt chỉ tiêu 0,59%).
6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp tuy gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước tăng 4,81% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,56 tỷ USD; toàn tỉnh có 11 dự án FDI được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký đạt 102,75 triệu USD.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14/41 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 64 dự án và tạo việc làm cho khoảng 11.190 lao động. Về sản xuất nông nghiệp, chỉ tính riêng vụ xuân vừa qua, diện tích gieo trồng cây lương thực đạt gần 40 nghìn ha, vượt 3,4% so với kế hoạch. Chăn nuôi phát triển theo hướng tích cực, chăn nuôi quy mô trang trại tiếp tục được mở rộng và đang thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ...
Công tác quân sự địa phương ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đảm bảo. Công tác giáo dục - đào tạo tiếp tục được quan tâm, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn tỉnh hiện có 602/683 trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia.
Đạt được kết quả trên chính là nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc và biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực; chú trọng khen thưởng hộ gia đình, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác, người lao động làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn...
Từ các phong trào thi đua, năm 2022, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã trình khen thưởng cấp Nhà nước đối với 86 trường hợp; khen thưởng cấp tỉnh 2.530 tập thể, cá nhân...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin