Là huyện vùng cao, có địa hình phức tạp, Võ Nhai thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, như lũ, lũ ống, sạt lở đất đá… Chính vì vậy, bước vào mùa mưa bão, huyện đã triển khai các phương án ứng phó sát với thực tế, theo từng khu vực, vị trí.
Ngầm tràn xóm Đồng Mới, xã Phú Thượng (Võ Nhai) bị ngập nước mỗi khi trời mưa to, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. |
Xã Nghinh Tường hiện có tổng cộng 11 ngầm tràn, trong đó 5 địa điểm thường xuyên bị ngập khi xảy ra mưa to, gây chia cắt giao thông. Ngoài ra, dọc hai bên bờ suối Nghinh Tường và các khe lạch ven sông suối, 62 hộ dân có nguy cơ bị ngập úng và sạt lở đất.
Ông Nông Đình Tuất, Chủ tịch UND xã Nghinh Tường, thông tin: Hàng năm, xã đều có văn bản về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ sạt lở đất đá gửi các xóm và cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Đồng thời, địa phương cũng đã thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai gồm 60 thành viên và chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện nhằm kịp thời ứng phó khi xảy ra thiên tai. Đối với những khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, chúng tôi yêu cầu các hộ tạm thời di tản đến nơi an toàn trong những ngày mưa lớn.
Không riêng xã Nghinh Tường, các địa phương khác trên địa bàn huyện Võ Nhai đều xây dựng phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn để hạn chế tối đa thiệt hại trong mùa mưa bão.
Năm 2022, thiên tai đã khiến hàng trăm ngôi nhà ở huyện Võ Nhai bị tốc mái, hư hỏng các công trình phụ trợ; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở; gần 400ha ngô bị gãy đổ… Tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra là gần 3,2 tỷ đồng. |
Bên cạnh đó, đặc thù của huyện vùng cao Võ Nhai là có nhiều khe suối, nước thường dâng cao khi có mưa to, gây chia cắt giao thông cục bộ. Các tuyến đường liên xã chạy quanh sườn núi cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá. Bên cạnh đó, thời gian qua, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện đã bạt núi làm nhà hoặc sinh sống ở gần khe suối - những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, trước khi vào mùa mưa, huyện Võ Nhai đã yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và xây dựng phương án di dời, sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp. Cùng với đó, địa phương cũng huy động lực lượng vớt rác tại các khe suối, ngầm tràn, cống thoát nước để xử lý vật cản trên các dòng chảy.
Đối với các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp do thiên tai, huyện cũng dành kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, hạ thấp ta-luy dương tránh sạt lở. Từ năm 2022 đến nay, huyện Võ Nhai đã đầu tư trên 830 triệu đồng để tu sửa một số tuyến đường giao thông bị hư hỏng, xuống cấp; hỗ trợ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sữa chữa nhà ở, đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Còn tại các vị trí ngầm tràn, địa phương bố trí lực lượng ứng trực canh gác, không để người dân qua lại trong điều kiện thời tiết mưa bão. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, duy trì thông tin cảnh báo, dự báo đến người dân.
Theo ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai: Trước mùa mưa, chúng tôi đã tham mưu với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện tổ chức kiểm tra các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, các vị trí thường xảy ra sạt lở đất đá và yêu cầu xây dựng phương án ứng phó riêng cho từng công trình. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động kiểm tra cơ sở vật chất, bố trí sắp xếp tài sản, thiết bị văn phòng để tránh bị ngập úng, lũ quét. Đối với các xã, thị trấn hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả để giúp bà con ổn định sản xuất, đời sống khi có thiên tai xảy ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin