Với lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, thời gian gần đây, huyện Đại Từ được biết đến là một trong những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với nhiều du khách. Tuy nhiên, các điểm du lịch vẫn ở dạng tiềm năng, một số điểm đã khai thác còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Chính vì vậy, huyện đã và đang tập trung cho công tác quy hoạch để phát triển du lịch bền vững.
Một số điểm du lịch cộng đồng, sinh thái trên địa bàn huyện Đại Từ đã được người dân chủ động đầu tư. Trong ảnh: Mô hình kinh doanh homestay tại xã La Bằng. |
Nằm ở sườn Đông của dãy Tam Đảo, vùng đất La Bằng (Đại Từ) được thiên nhiên ưu ái, với nhiều điểm tham quan hấp dẫn, như: Thác Trắng, Đá Hầm, suối Kẹm... Giữa không gian thoáng đãng, mát mẻ của núi rừng, du khách có thể tổ chức cắm trại, tắm suối, leo núi, tận mắt ngắm nhìn những cây chò chỉ, cây gội cổ thụ, cùng nhiều loại hoa lan khoe sắc rực rỡ… Không những vậy, La Bằng còn là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch trải nghiệm vùng chè.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, cũng như tạo thuận lợi cho công tác quản lý, hướng đến phát triển du lịch bền vững, thời gian qua, xã La Bằng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện Đại Từ và đơn vị tư vấn để xây dựng quy hoạch chi tiết các điểm du lịch.
Ông Dương Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã La Bằng, thông tin: Chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân và dự kiến hoàn thành, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trên địa bàn xã trong khoảng 1-2 tháng tới.
Theo đó, không gian kiến trúc cảnh quan điểm du lịch xã La Bằng bao gồm: Khu đón tiếp, điều hành, bãi xe; khu lưu trú, nghỉ dưỡng, sinh thái; khu du lịch trải nghiệm nông nghiệp; khu du lịch cộng đồng văn hóa, homestay, khu dân cư… Trong đó, khu vực lưu trú dạng homestay sẽ nằm ở vùng lõi của quy hoạch. Việc phân định các khu vực là tiền đề để điểm du lịch phát triển đồng bộ, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Toàn bộ quy hoạch có quy mô trên 90ha, tại xóm Tân Sơn. Tổng kinh phí lập quy hoạch gần 1,8 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa.
Cùng với La Bằng, một địa phương khác cũng đang triển khai quy hoạch điểm du lịch là xã Hoàng Nông. Lấy trung tâm là suối Cửa Tử, quy hoạch chi tiết điểm du lịch xã Hoàng Nông tỷ lệ 1/500 có quy mô gần 40ha. Cùng với đó là khu vực trên 60ha phát triển dân cư, nông nghiệp kết hợp du lịch. Các khu vực được quy hoạch như: quảng trường, trung tâm văn hóa trà, khu công viên, nhà hàng… sẽ giúp gia tăng cảnh quan khu vực suối Cửa Tử, tạo thành địa điểm du lịch phong phú, đa sắc màu văn hóa.
Các quy hoạch điểm du lịch ở huyện Đại Từ được xây dựng trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng về văn hóa bản địa. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Quân Chu trưng bày trang phục truyền thống phục vụ du khách tham quan. |
Ngoài quy hoạch chi tiết điểm du lịch tại 2 xã La Bằng và Hoàng Nông, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Đại Từ cũng thực hiện các quy hoạch, đề án liên quan đến phát triển du lịch, như: Quy hoạch chi tiết khu nông trại sinh thái và trải nghiệm giáo dục Ánh Dương; Quy hoạch chi tiết vùng chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã La Bằng - Phú Xuyên; Quy hoạch vùng chè tập trung ở xã Hoàng Nông - Tiên Hội; Quy hoạch vùng chè ở xã Tân Linh.
Theo đó, các khu vực được quy hoạch này sẽ trở thành sản phẩm du lịch ấn tượng với du khách, mang đậm dấu ấn địa phương. Đồng thời, kết nối với các cảnh quan, địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành các tour, tuyến du lịch.
Trước đó, từ cuối năm 2021, huyện Đại Từ đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn, với tổng kinh phí dự kiến gần 300 tỷ đồng.
Tháng 7/2022, huyện tiếp tục ban hành Đề án Phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí thực hiện gần 270 tỷ đồng. Đề án đưa ra kế hoạch cụ thể trong thực hiện và quản lý các quy hoạch trong giai đoạn 2022-2025 và 2026-2030.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Tất Lợi, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ, cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Phòng đã tích cực phối hợp với các địa phương trong việc rà soát những điểm, khu vực có tiềm năng về du lịch để lập quy hoạch. Đồng thời tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng tại vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm lựa chọn các đơn vị tư vấn có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các quy hoạch về du lịch để đảm bảo các quy hoạch khoa học, hiệu quả.
Thời gian tới, huyện Đại Từ tiếp tục rà soát để xây dựng quy hoạch, chú trọng vào khu vực sườn Đông của dãy Tam Đảo, khu vực phía Tây Nam của huyện. Đồng thời, nỗ lực thu hút tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng cho phát triển du lịch…
Dù mới được triển khai thực hiện song các chương trình, đề án, quy hoạch về du lịch đã cho thấy quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Đại Từ trong việc khai thác các thế mạnh, tiềm năng để phát triển ngành "công nghiệp không khói". Với quan điểm quy hoạch đi trước, mở đường, đây sẽ là tiền đề để du lịch Đại Từ phát triển nhanh, mạnh, bền vững, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin