Trong giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên còn 14 xã thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Theo lộ trình đặt ra từ nay đến năm 2025, nhiều xã khu vực III của tỉnh phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao... nên việc hoàn thiện các tiêu chí NTM ở nhiều xã gặp không ít khó khăn.
Việc làm, chất lượng nhà ở, vệ sinh môi trường... là những tiêu chí khó thực hiện ở các xã vùng cao, miền núi. Trong ảnh: Cụm dân cư phân tán tại xã Thượng Nung (Võ Nhai). |
Dẫn chúng tôi đi dọc hơn 400m đường trục chính của xóm chưa được đổ bê tông, rồi lội suối đến một khu dân cư có 7 hộ sinh sống, ông Nguyễn Văn Long, Bí thư Chi bộ xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), chia sẻ: Xóm có trên 50% hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và vừa mới thoát nghèo, nên việc huy động nhân dân đóng góp kinh phí để hoàn thiện nốt chiều dài tuyến đường trục xóm và xây dựng mới cây cầu gặp nhiều khó khăn. Bà con trong xóm sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công, còn kinh phí thì hầu như không gia đình nào có tích lũy, nên phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hoặc sự ủng hộ của các nhà hảo tâm...
Giao thông chỉ là 1 trong 5 tiêu chí (gồm giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, nghèo đa chiều, thu nhập) chưa đạt trong xây dựng NTM tại xã Văn Lăng.
Trong đó, tiêu chí nhà ở dân cư, nghèo đa chiều, thu nhập được coi là những tiêu chí khó thực hiện. Bởi hiện nay, xã vẫn còn 643/1.355 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; số nhà tạm, nhà dột nát còn 299 nhà, hiện mới đang thực hiện xây dựng 72 nhà; thu nhập bình quân đầu người hiện nay mới chỉ đạt 32 triệu đồng/người/năm.
Việc đi lại của người dân xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) hiện gặp không ít khó khăn, nguyên nhân là do cây cầu nối 2 khu dân cư trong xóm đã bị nước lũ cuốn trôi. |
Đồng chí Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng, cho biết: Để hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn NTM vào năm 2024, Đảng ủy xã rất mong muốn trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm đưa các nguồn vốn đầu tư và dự án, chương trình về xã Văn Lăng nhằm giải quyết việc làm, hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân; xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển chăn nuôi, sản xuất, từ đó nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con.
Còn với huyện vùng cao Võ Nhai, địa phương hiện còn 8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đến nay, các xã này mới chỉ đạt từ 10 đến 12 tiêu chí trong xây dựng NTM. Việc hoàn thành các tiêu chí còn lại để về đích theo đúng kế hoạch đối với cả 8 xã vẫn gặp nhiều khó khăn .
Đơn cử như tại Cúc Đường, hiện nay xã mới đạt 12/19 tiêu chí NTM, trong khi theo kế hoạch, trong năm nay, địa phương này sẽ về đích NTM. 7 tiêu chí chưa đạt của xã gồm: cơ sở vật chất văn hóa; thông tin và truyền thông; nhà ở dân cư; thu nhập; nghèo đa chiều; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm. Theo dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện các tiêu chí còn lại này là khoảng trên 4,7 tỷ đồng.
Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường, nhận định: Việc thực hiện các tiêu chí còn lại sẽ gặp khó, do nguồn lực theo yêu cầu cần để xây dựng NTM quá lớn, trong khi đó điều kiện của đồng bào còn khó khăn, nguồn thu ngân sách trên địa bàn thấp, cuộc sống người dân còn nghèo. Để hoàn thành các tiêu chí, ngoài nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, xã cũng mong muốn nhận được nhiều hơn các nguồn vốn hỗ trợ khác.
Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, với những xã đặc biệt khó khăn, việc hoàn thành các tiêu chí trong khoảng thời gian ngắn hạn thực sự là một thách thức lớn.
Do vậy, thời gian tới, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các xã vùng đặc biệt khó khăn, thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh và các huyện cần ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế để từng bước nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân, giảm nghèo bền vững...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin