Vụ việc gần 3 tấn thịt, xương, nội tạng lợn “bẩn” được lực lượng chức năng phát hiện tại chợ Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) ngày 23-9 vừa qua của bà Nguyễn Thị Quy (có hộ khẩu thường trú tại xóm Giếng, phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên) hiện vẫn đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Và những câu hỏi đặt ra là: Tại sao hành vi vi phạm này có thể tồn tại ngang nhiên trong một thời gian dài tại chợ hạng 1, nằm ngay trung tâm thành phố? Trách nhiệm thuộc về ai? Những hàng quán nào đã tiêu thụ loại thịt này? Liệu còn xảy ra những vụ việc tương tự? Ai sẽ bảo vệ người tiêu dùng?...
Khi cán bộ, nhân viên Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra, tại quầy hàng của bà Nguyễn Thị Quy ở chợ Đồng Quang đang bán thịt lợn được xác định đã chết trước khi giết mổ. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc bà Nguyễn Thị Quy bán thịt lợn không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi đã tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh thông tin. Thấy việc phản ánh là đúng nên ngày hôm sau, Đội QLTT số 2 đã thành lập đoàn kiểm tra và xử lý vụ việc này.
Từ thực tế có thể thấy, vi phạm của bà Quy đã diễn ra trong một thời gian dài mà Ban quản lý chợ Đồng Quang lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Vì thế, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị này.
Ông Nguyễn Hoàng Bắc cho biết thêm: Đối với cơ quan QLTT, mà cụ thể ở đây là Đội QLTT số 2 phụ trách địa bàn TP. Thái Nguyên cũng có một phần trách nhiệm, chúng tôi sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, trên thực tế, mặt hàng thịt không nằm trong 6 nhóm ngành nghề kinh doanh mà ngành Công Thương được giao quản lý, mà lĩnh vực này thuộc trách nhiệm chính của ngành Nông nghiệp và PTNT, trực tiếp là cơ quan thú y, nên trên thực tế chúng tôi không quan tâm nhiều đến mặt hàng này. Nhiệm vụ chính mà lực lượng QLTT tập trung triển khai là đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin tố giác của người dân, chúng tôi đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Trong quá trình làm việc, Đội QLTT số 2 có hỏi về thông tin người mua hàng nhưng bà Quy bảo không biết, nên chúng tôi cũng không có quyền hỏi thêm. Trừ khi vụ việc vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng, chuyển hồ sơ xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự, khi đó lực lượng Công an vào cuộc thì việc khai báo này mới mang tính chất bắt buộc.
Các ngăn tủ bảo ôn được bà Nguyễn Thị Quy đặt trên tầng 2 chợ Đồng Quang chất đầy thịt, xương, nội tạng lợn trong một thời gian dài, đã đổi màu, bốc mùi hôi thối nồng nặc. |
Còn theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) thì Chi cục không có chức năng và cũng không được phép kiểm tra tại các chợ, mà chỉ có thể tham gia kiểm tra cùng đoàn liên ngành khi có yêu cầu. Thịt gia súc, gia cầm khi đã được bày bán trên thị trường thì sẽ thuộc trách nhiệm của lực lượng QLTT và ngành Công Thương. Đối với kiểm dịch viên ở các huyện cũng chỉ kiểm soát tại các cơ sở giết mổ được phép hoạt động…
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Thái Nguyên thì cho rằng: Có nhiều khó khăn trong quản lý các chợ hiện nay. Toàn tỉnh hiện có 4 chợ hạng 1, tỉnh giao Sở Công Thương quản lý về mặt Nhà nước, trong đó có chợ Đồng Quang. Mặc dù UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt “Nội quy chợ Đồng Quang” với đầy đủ các quy định có liên quan để quản lý hoạt động của các tiểu thương, cũng như trách nhiệm của Ban quản lý chợ trong xử lý các vi phạm, song khi các ban quản lý này thực hiện không đúng quy định thì chế tài xử lý đối với các trường hợp này còn rất yếu.
Trở lại với vụ việc kinh doanh thịt lợn “bẩn” tại chợ Đồng Quang, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ban quản lý chợ đã đình chỉ hoạt động kinh doanh của bà Quy. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác quản lý để chấn chỉnh hoạt động tại các chợ này.
Ngoài các tủ bảo ôn, bà Nguyễn Thị Quy còn chứa đầy thịt lợn đã ôi thiu, bốc mùi hôi thối trong các thùng xốp đặt ngay tại khu vực bán hàng. |
Tìm hiểu chúng tôi được biết: Bà Quy không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại chợ Đồng Quang. Trong khi đó, theo Quyết định số 1260/QĐ-UBND ngày 20/5/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt “Nội quy chợ Đồng Quang” thì thương nhân kinh doanh tại chợ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và kinh doanh theo đúng nội dung trong giấy chứng nhận. Đối với mặt hàng, ngành nghề yêu cầu có giấy phép kinh doanh thì phải có giấy phép kinh doanh; không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng (hàng mất phẩm chất, kém chất lượng, nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh), hàng gây ô niễm môi trường…
Cán bộ, nhân viên quản lý chợ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thương nhân thực hiện nghiêm nội quy chợ, an toàn thực phẩm… Các điểm kinh doanh hàng thực phẩm, ăn uống phải bảo đảm luôn sạch sẽ, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm (phải có thiết bị, tủ kính che đậy thức ăn…).
Đối với các hành vi vi phạm liên quan đến pháp luật, đơn vị quản lý - khai thác chợ có trách nhiệm lập biên bản và chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện thương nhân kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… trong phạm vi chợ, đơn vị quản lý - khai thác chợ được quyền lập biên bản tạm giữ (hoặc niêm phong tại hiện trường) trong 24 giờ, đồng thời liên hệ ngay với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật…
Qua đây có thể thấy, công tác quản lý đối với một số mặt hàng, trong đó có thịt gia súc, gia cầm, hiện còn khá nhiều bất cập. Trong khi cơ quan thú y chỉ quản lý đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được cấp phép, thì lực lượng QLTT lại cho rằng chức năng quản lý chính là của ngành Nông nghiệp. Còn ban quản lý các chợ thì vì lợi ích của mình nên cố tình làm ngơ trước sai phạm của hộ kinh doanh, nhưng chế tài xử lý những người này lại chưa đủ mạnh… Thực tế này đã và đang khiến công tác quản lý an toàn thực phẩm nhiều lúc, nhiều nơi còn bị bỏ ngỏ, gây bức xúc, hoang mang cho người dân.
Nhiều tiểu thương ở chợ Đồng Quang đề nghị: Cần công khai đường dây nóng của cơ quan chức năng như QLTT để người dân và các tiểu thương tiện phản ánh khi phát hiện các sai phạm. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin