Tính đến hết tháng 10, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 13.353 tỷ đồng, bằng 68% dự toán năm 2023 được Bộ Tài chính giao, bằng 66,6% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 88,8% so với cùng kỳ năm trước. Có rất nhiều khó khăn mà các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương phải đối mặt trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và quyết tâm vượt khó hoàn thành toàn diện kế hoạch thu ngân sách năm nay, nhiều giải pháp đang được các ngành, địa phương triển khai quyết liệt.
Năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh (trong đó có ngành may mặc) đều bị giảm đơn hàng, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách (ảnh minh họa). |
Năm 2023, Thái Nguyên được Bộ Tài chính giao thu ngân sách 19.564 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 16.474 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu 3.090 tỷ đồng. HĐND tỉnh giao thu 20.000 tỷ đồng. Trong đó, giao tăng nguồn thu nội địa lên 16.910 tỷ đồng; còn lại giữ theo kế hoạch Bộ Tài chính giao đối với thuế xuất nhập khẩu.
Trong tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh 10 tháng qua, thu nội địa đạt 11.096 tỷ đồng, bằng 89,8%; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 2.135 tỷ đồng, bằng 82,2% so với cùng kỳ năm trước. Cơ bản, các nguồn thu khác đã và đang đảm bảo theo tiến độ thu bình quân chung của năm, chỉ có 2 nguồn thu đạt thấp, đó là thu tiền sử dụng đất và thu thuế xuất nhập khẩu.
Về thu tiền sử dụng đất tính đến cuối tháng 10 mới đạt 1.752/4.800 tỷ đồng, bằng 36,5% dđự toán năm được giao. Nguyên nhân do thị trường bất động sản vẫn khá trầm lắng, khiến một số địa phương như TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công nhiều khả năng không hoàn thành kế hoạch. Trong đó, riêng TP. Thái Nguyên dự kiến hụt thu khoảng 600-700 tỷ đồng, trong tổng số 2.000 tỷ đồng được giao.
Đối với TP. Sông Công, theo đồng chí Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND thành phố: Năm nay, địa phương được tỉnh giao thu tiền sử dụng đất là 535,7 tỷ đồng, HĐND thành phố giao 635,7 tỷ đồng. Trong đó ghi thu, ghi chi 100 tỷ đồng. Tính đến ngày 6-11, địa phương mới thu được 81,5 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm được 328 tỷ đồng, bằng 61,2% kế hoạch tỉnh giao. Mặc dù thành phố đã tổ chức 3 phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại 4 khu dân cư (KDC) ở phường Mỏ Chè và xã Bá Xuyên, nhưng có 2 phiên không có khách tham gia, đến lần thứ 3 cũng chỉ có 6/29 ô có người tham gia và trúng đấu giá.
Đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn TP. Sông Công cũng gặp nhiều khó khăn. Một số dự án xác định thu tiền sử dụng đất năm 2023 nhưng do chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi đất lúa nên chưa tiếp tục triển khai thực hiện được; một số nhà đầu tư hoạt động khó khăn, còn nợ tiền, thành phố đã nhiều lần đôn đốc nhưng chưa chuyển tiền…
Hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu là một trong những giải pháp được Chi cục Hải quan Thái Nguyên tích cực thực hiện thời gian qua, góp phần tăng thu ngân sách. |
Tuy nhiên, đối với một số địa phương như TP. Phổ Yên, huyện Đại Từ, do chủ động được nguồn thu, một số dự án đấu giá đáp ứng được tốt nhu cầu của nhà đầu tư nên không những đã và sẽ hoàn thành kế hoạch được giao mà còn có khả năng thu vượt kế hoạch vài trăm tỷ đồng. Qua đó giúp bù đắp phần nào cho các địa phương thu thiếu.
Đồng chí Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: Dự toán được giao thu tiền sử dụng đất năm này của huyện là 200 tỷ đồng. Tính đến ngày 6-11, đã đạt hơn 332 tỷ đồng, dự kiến huyện sẽ thu được 450 tỷ đồng trong năm nay.
Còn theo đồng chí Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên: Tỉnh giao địa phương thu tiền sử dụng đất là 1.700 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10, tuy thành phố mới thu được 722 tỷ đồng, bằng 42,8% kế hoạch, song do thành phố đã tổ chức đấu giá thành công đối với một số dự án, cơ quan Thuế cũng đã phát hành thông báo thuế, nên trong tháng 11 và đầu tháng 12, số tiền thu sử dụng đất của thành phố sẽ tăng thêm trên 1.000 tỷ đồng.
TP. Phổ Yên cũng đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để đưa vào đấu giá một số khu dân cư và hoàn tất thủ tục giao đất đối với một số cụm công nghiệp… Thời gian tới, thành phố phấn đấu đạt tổng thu tiền sử dụng đất là 2.100 tỷ đồng, vượt 400 tỷ đồng như đã cam kết với tỉnh.
Về nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 400 tỷ đồng so với dự toán được giao. Nguyên nhân do phần lớn doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu bị suy giảm về thị trường nên số nộp ngân sách giảm đáng kể.
Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Chi cục Hải quan Thái Nguyên: Đơn vị vẫn đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp, trong đó sẽ tiếp tục động viên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang làm thủ tục hải quan ở tỉnh ngoài về làm thủ tục tại Thái Nguyên, từ đó tăng nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, phấn đấu hoàn thành dự toán năm được giao.
Trong tháng 10 và 11 năm nay, TP. Thái Nguyên dự kiến thu được 200 tỷ đồng từ việc ghi chi, ghi thu tiền sử dụng đất tại 3 khu đô thị và Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1, 2, 3. Trong ảnh: Cụm công nghiệp Sơn Cẩm. Ảnh: T.L |
Trước thực trạng khó khăn hiện nay, để đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, tại buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương ngày 6-11 vừa qua, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2023.
Đối với Cục Thuế tỉnh kịp thời thông báo và đôn đốc việc thu tiền sử dụng đất phát sinh phải nộp vào ngân sách Nhà nước; chủ động phối hợp với UBND các địa phương thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ tiền sử dụng đất theo quy định; bám sát tiến độ thu tiền sử dụng đất, kịp thời báo cáo UBND tỉnh về những khó khăn, vướng mắc để có hướng chỉ đạo giải quyết hiệu quả…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin