Cải thiện hạ tầng nông thôn, kết nối đô thị

Minh Quân 18:18, 09/11/2023

Tỉnh Thái Nguyên vừa công bố kết quả thi đua thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến nay (Chương trình). Theo đó, một trong những nội dung thành phần quan trọng là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền của tỉnh đã đạt kết quả tích cực.  

Một tuyến đường giao thông tại TP. Sông Công. Ảnh TL
Một tuyến đường giao thông tại TP. Sông Công. Ảnh T.L

Chương trình có 11 nội dung thành phần, trong đó phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là nội dung không dễ thực hiện và khá tốn kém. Tuy nhiên, với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, đối ứng kịp thời của người dân, các chỉ tiêu đề ra của nội dung thành phần này đều đạt ở mức cao.

Kết quả cho thấy, về hạ tầng giao thông, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được trên 1.000km đường nông thôn. Trong đó, đường trục xã 86 km; đường trục xóm và liên xóm 415km; đường ngõ xóm 513km; đường nội đồng 51km.

Đến nay có 119/126 xã (bằng 94,5%) đạt tiêu chí Giao thông. Do cách làm sáng tạo của nhiều địa phương, nên việc huy động mọi nguồn lực dành cho xây dựng đường giao thông ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao.

Điện nông thôn và hạ tầng thủy lợi cũng có nhiều nét khởi sắc. Hệ thống mạng lưới điện phát triển rộng, các tuyến đường dây trung thế, hạ thế và dung lượng các trạm biến áp đã được cải tạo, chất lượng điện cơ bản ổn định. Có 80 trạm biến áp, trên 360km đường dây trung áp, hạ áp được xây dựng mới và cải tạo trong hơn 2 năm qua. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí Điện.

Toàn tỉnh cũng đã xây mới, cải tạo và nâng cấp 105km kênh mương và 168 công trình thủy lợi. Tiêu chí Thủy lợi và phòng, chống thiên tai của 100% xã trên địa bàn đã đạt theo quy định.

Đối với hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, cấp nước tập trung và xây dựng chợ nông thôn, tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập, kiên cố hóa giao thông, kênh mương nội đồng. Đồng thời thu hút các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Đã có 12 chợ nông thôn được cải tạo, xây dựng mới trong hơn 2 năm qua. Đánh giá sơ bộ cho thấy, đa số chợ hoạt động tốt, phục vụ được nhu cầu trao đổi hàng hóa của thương nhân và nhân dân địa phương. Đã có 97,6%  xã đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Cả tỉnh có 22 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây mới và cải tạo, nâng cấp, nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 95,54%.

Việc xây dựng hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục cũng thu được kết quả khả quan khi có tới 94,4% xã đạt tiêu chí  Trường học; 95,2% xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa và 100% xã đạt tiêu chí về Y tế.

Cụ thể, các địa phương đã rất quan tâm đầu tư xây dựng các trường học, nhất là trường mẫu giáo, trường nội trú với 556 phòng học các loại được xây mới, cải tạo; 38 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 201 nhà văn hóa và khu thể thao xóm được cải tạo, nâng cấp; 3 trạm y tế xã được xây mới và cải tạo.

Đặc biệt, đối với hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, dù khó làm, nhưng đã thu được kết quả cao. Hiện tại đã có trên 93% số xã đạt tiêu chí Thông tin và truyền thông.

Đối với hạ tầng phục vụ bảo vệ môi trường nông thôn, trong hơn 2 năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực, thu hút doanh nghiệp vào các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên xã, liên huyện; chú trọng đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt... Chính vì thế, hiện đã có 115/126 xã đạt tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm.