Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có yêu cầu tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp (CCN) còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… Đồng thời rà soát, đề xuất sắp xếp, đưa các dự án sản xuất công nghiệp vào các khu, CCN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khu công nghiệp Sông Công 2. Ảnh: Nguyên Ngọc |
Thời gian qua, việc tăng cường quản lý đầu tư, hình thành các khu, CCN trên địa bàn theo quy hoạch rất được tỉnh quan tâm. Chính nhờ quy hoạch sớm và đồng bộ nên hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều khu, CCN được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn tỉnh hiện có 5/11 khu công nghiệp tập trung đã đi vào hoạt động, thu hút 219 dự án, trong đó có trên 160 dự án FDI. Tỷ lệ thu hút, lấp đầy dự án tại các khu công nghiệp là rất cao, dư địa để thu hút dự án vào các khu, CCN mới hình thành còn rất lớn.
Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, thực tế vẫn còn không ít cơ sở sản xuất - kinh doanh nằm ngoài các khu, CCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Qua khảo sát cho thấy, hiện nay, trong nội thị TP. Thái Nguyên và một số đô thị lân cận vẫn còn một số nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp ngoài khu, CCN gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, nhất là các cơ sở luyện kim, sản xuất giấy.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, không chỉ gây ô nhiễm, không ít dự án ngoài khu, CCN còn để xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mất an ninh trật tự, không đảm bảo phương án phòng, chống cháy nổ, gây tác động xấu đến cộng đồng dân cư, không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và các quy hoạch liên quan.
Trước thực tế trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tăng cường công tác quản lý, phát triển các khu, CCN; chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, CCN.
Trong đó, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo xử lý các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, CCN chưa đảm bảo các yêu cầu của pháp luật. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chính quyền các địa phương phải tăng cường phối hợp kiểm tra, rà soát ngay các cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhà xưởng thuộc địa bàn quản lý nằm ngoài các khu, CCN. Từ đó kịp thời phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời xem xét, đề xuất di dời cơ sở sản xuất không đảm bảo vào trong các khu, CCN theo quy định.
Đối với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan, trong quá trình cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cần thực hiện nghiêm chủ trương đưa dự án sản xuất công nghiệp vào đầu tư tại các khu, CCN. Bởi thực tế, Thái nguyên đang sở hữu tới 11 khu công nghiệp tập trung và 41 CCN đã quy hoạch, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thực tế. Do vậy, không có lý gì không thể giải quyết được tình trạng nêu trên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin