Từng bước di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khỏi khu dân cư

Hoàng Cường 16:28, 25/06/2023

Thái Nguyên có lịch sử hình thành, phát triển công nghiệp từ sớm với nền tảng là Khu công nghiệp Gang thép, Cụm công nghiệp Gò Đầm (TP. Sông Công). Sự hình thành và phát triển của các cơ sở công nghiệp lớn này thu hút ngày càng đông người lao động và dân cư từ các nơi đến sinh sống, làm việc. Lâu dần, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp (SXCN) nằm “lọt thỏm” trong những khu vực đông dân cư. Thêm nữa, trong quá trình công nghiệp hóa từ nhiều năm trước, công tác quy hoạch và xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới không ít nhà máy, xí nghiệp được xây dựng trong khu dân cư…

Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân sống tại tổ 2, phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), bị ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất ván gỗ ép của Công ty TNHH Ván ép Việt Bắc.
Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân sống tại tổ 2, phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), bị ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất ván gỗ ép của Công ty TNHH Ván ép Việt Bắc.

Đời sống sinh hoạt bị đảo lộn

Toàn tỉnh hiện có trên 8.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 60% doanh nghiệp SXCN. Mặc dù chưa có số liệu thống kê các cơ sở SXCN gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư nhưng con số này chắc chắn không ít. Bởi chỉ tính trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã có thể kể đến như: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, một số doanh nghiệp tại phường Tân Thành, phường Tân Lập... Đây là những doanh nghiệp có quy mô lớn, hình thành và phát triển qua nhiều thập kỷ, cơ bản có dây chuyền thiết bị và công nghệ lạc hậu.

Vì thế, trong một thời gian dài, người dân sống xung quanh các nhà máy này thường xuyên phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi sản xuất.

Bên cạnh những cơ sở tồn tại từ lâu đời hiện nay, tại nhiều khu dân cư trong tỉnh cũng "mọc" thêm nhiều cơ sở SXCN mới. Đơn cử như Công ty TNHH Ván ép Việt Bắc tại phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên). Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân sống xung quanh đây phải hứng chịu khói bụi, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất gỗ ván ép.

Nhà bà Bùi Thị Phượng, ở tổ 2, nằm cách xưởng sản xuất của Nhà máy một bức tường rào nên hơn 4 năm qua, cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn.

Bà Phượng bức xúc nói: Từ khi có Nhà máy gỗ ván ép Việt Bắc, nhà tôi lúc nào cũng phải đóng kín cửa để ngăn tiếng ồn. Dù vậy, vào ban đêm tiếng ồn vẫn rất lớn khiến người già, trẻ em bị mất ngủ. Ngoài tiếng ồn, bụi mùn cưa cũng phát tán ra không khí rất nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Ông Hà Văn Đượng, tổ dân phố Giếng, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên), phản ánh: Nhiều năm nay, Cơ sở Dương Hường - chuyên chế biến nguyên liệu sản xuất gạch nung hoạt động trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng tôi. Đất sét và than được phơi, nghiền trong quá trình sản xuất của Cơ sở gây ra bụi. Vào mùa mưa, than và đất rơi vãi ra đường gây trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông và mất vệ sinh môi trường…

Những kết quả bước đầu

Trước thực trạng trên, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để di dời các cơ sở SXCN gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, bước đầu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, tỉnh đã quy hoạch 41 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 2.067ha. Đến nay, 21 CCN đã được thành lập, trong đó có 9 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 293,7ha. 

Để đáp ứng điều kiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, tỉnh đã quy hoạch, thành lập nhiều khu, cụm công nghiệp. Trong ảnh: CCN số 3 cảng Đa Phúc (phường Thuận Thành, TP. Phổ Yên) có diện tích 19,5ha, thu hút 25 doanh nghiệp vào hoạt động.
Để đáp ứng điều kiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, tỉnh đã quy hoạch, thành lập nhiều khu, cụm công nghiệp. Trong ảnh: CCN số 3 cảng Đa Phúc (phường Thuận Thành, TP. Phổ Yên) có diện tích 19,5ha, thu hút 25 doanh nghiệp vào hoạt động.

Toàn tỉnh hiện có 5 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập và đi vào hoạt động, với tổng diện tích trên 1.300ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình 70% (bao gồm: KCN Sông Công I (195ha) và Sông Công II (260ha); KCN Điềm Thụy (350ha); KCN Nam Phổ Yên (120ha), KCN Yên Bình (400ha).

Đến nay, các KCN của tỉnh đã thu hút 270 dự án (trong đó có 141 dự án vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 10,6 tỷ USD, 129 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 16,7 nghìn tỷ đồng).

Các KCN, CCN của tỉnh cơ bản được quy hoạch ở vị trí có đường giao thông thuận lợi, xa khu dân cư và hạ tầng kỹ thuật từng bước được đầu tư tương đối đồng bộ, bài bản... nên thu hút nhiều nhà máy, xí nghiệp vào hoạt động. 

 

Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty CP Đúc Thái Nguyên, cho biết: Trước đây, Công ty đặt cơ sở sản xuất tại phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) nên thường xuyên làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư khi phương tiện vận tải ra vào gây cản trở giao thông, tiếng ồn, khói bụi. Từ năm 2009, được sự vận động, tạo điều kiện của chính quyền TP. Thái Nguyên, chúng tôi đã di dời cơ sở sản xuất vào CCN Cao Ngạn. Kể từ đó đến nay, Nhà máy hoạt động ổn định và không còn gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. 

Ông Lê Hải Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Tỉnh đã ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”. Trong đó xác định mục tiêu cụ thể là từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp với quy hoạch vào các khu, CCN. UBND cấp huyện có trách nhiệm rà soát, thống kê cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, cơ sở nằm xen kẽ trong các khu dân cư không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách vệ sinh môi trường, đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời vào các khu, CCN.

Cùng với quan tâm quy hoạch, thành lập các khu, CCN, tỉnh cũng tăng cường công tác thẩm định hồ sơ, đánh giá tác động môi trường, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án SXCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư; thu hút, mời gọi các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường.

Đối với các cơ sở SXCN vì nhiều lý do nên chưa thể hoặc không thể di dời khỏi khu dân cư, hằng năm, tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường; thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu bổ sung, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải theo quy định; khuyến khích đầu tư cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, chuyển đổi ngành nghề hoạt động theo hướng bảo vệ môi trường...

Có thể thấy, Thái Nguyên đã quan tâm và đang nỗ lực di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn ở mức “khiêm tốn” do cần chi phí lớn, quỹ đất phù hợp.

Vì thế, các cấp, ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở di chuyển vào khu, CCN; khẩn trương rà soát các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn để có kế hoạch, lộ trình di chuyển sớm; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường...