Duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) là một trong những nhiệm vụ được Sở Công Thương Thái Nguyên quan tâm thực hiện tốt trong những năm qua. Với việc nâng cao nhận thức của mỗi công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân, Sở Công Thương đã có đóng góp tích cực để nâng cao xếp hạng Chỉ số PAPI của tỉnh. Trong đó, nổi bật là chỉ số nội dung về thủ tục hành chính (TTHC) công và cung ứng dịch vụ công.
Người dân, doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Công Thương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh được tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết nhanh chóng. |
Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh về duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI năm 2023, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm góp phần cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Sở đề ra giải pháp điều chỉnh, nâng cao chất lượng điều hành quản trị và hành chính công của tổ chức bộ máy.
Sở Công Thương đã xây dựng và thông báo công khai lịch tiếp công dân theo từng tháng và đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở. Cùng với đó, đăng tải thông tin về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực công thương; các quy hoạch, kế hoạch của Ngành trên Trang thông tin điện tử của Sở tại địa chỉ congthuongthainguyen.gov.vn để người dân, doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận thông tin về lĩnh vực ngành quản lý.
Đồng thời, Sở thực hiện nghiêm túc việc công khai các TTHC, thời gian, phí, lệ phí thuộc thẩm quyền giải quyết, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân giám sát hoạt động của công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Năm 2023, Sở Công Thương đã tập trung rà soát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền cắt giảm thời gian thẩm định đối với 2 TTHC; kịp thời cập nhật, công bố công khai, đầy đủ các quy định về TTHC. Đối với cung ứng dịch vụ công, Sở Công Thương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên tiến hành rà soát, nâng cao chất lượng cung cấp, khai thác và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến qua hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Theo chị Đỗ Thị Thu Nga, chuyên viên Văn phòng Sở Công Thương, trực làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh: Có tới 97% hồ sơ TTHC thuộc lĩnh vực Công Thương được tiếp nhận qua kênh trực tuyến.
Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, Sở Công Thương còn bàn giao Bộ giải pháp tiếp thị trực tuyến hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Mặt khác, Sở Công Thương cũng in hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền, xây dựng bộ video mẫu hướng dẫn người dân thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp qua các kênh khác nhau như điện thoại, Zalo, email...
Anh Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Bá Nguyên, ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai), chia sẻ: Trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương, tôi xem được các video mẫu giới thiệu các TTHC. Từ đó chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để trực tiếp đến nộp cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ. Tôi cũng đăng ký với dịch vụ bưu chính nhận kết quả tại nhà để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Hiện nay, Sở Công Thương đang cung cấp 122 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 27 TTHC dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 95 TTHC dịch vụ công trực tuyến một phần) trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, có kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/12/2023, Sở đã tiếp nhận 31.067 hồ sơ TTHC, trong đó số hồ sơ trực tuyến là 30.275 hồ sơ, còn lại là hồ sơ gửi trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính công ích. Kết quả đã giải quyết xong 31.044 hồ sơ, trong đó có 9.229 hồ sơ giải quyết trước hạn (chiếm 30%), tăng 20% so với năm 2022; giải quyết đúng hạn 21.815 hồ sơ (chiếm 70%), còn 23 hồ sơ đang giải quyết trong hạn. Đáng ghi nhận là số hồ sơ TTHC năm 2023 tăng 9.360 bộ so với năm 2022.
Người dân và du khách tham quan, mua sắm tại gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh trong chương trình “Xúc tiến sắc màu nông sản thời kỳ 4.0 - Thái Nguyên 2023” do Sở Công Thương phối hợp với UBND TP. Phổ Yên tổ chức từ ngày 6 đến 10-12. Ảnh: T.L |
Trao đổi với chúng tôi, chị Đỗ Thị Thu Nga cho biết thêm: Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các TTHC được nhanh chóng, chúng tôi đã lập nhóm Zalo kết nối với 62 doanh nghiệp thường xuyên giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực Sở quản lý. Qua đây, mọi thắc mắc của doanh nghiệp, người dân đều được giải đáp và hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian làm việc thật khoa học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất.
Một dấu ấn nổi bật khác trong năm 2023 của Sở Công Thương là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, quản lý, điều hành của cơ quan, thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Sở đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong xây dựng, phát triển thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua các hoạt động chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và chương trình xúc tiến thương mại.
Đến nay, Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đã có 5 triệu lượt người truy cập, với hơn 2.700 sản phẩm được giới thiệu, trong đó có 173/173 sản phẩm OCOP, 90 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Với sự nỗ lực trong việc nâng cao Chỉ số PAPI, năm 2023, Sở Công Thương không nhận được bất kỳ phản ánh, kiến nghị nào của người dân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến quá trình giải quyết TTHC của đơn vị. Kết quả này là đóng góp thiết thực của ngành Công Thương nhằm nâng cao xếp hạng Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2023.
Trước đó, năm 2022, Chỉ số PAPI của Thái Nguyên nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước. Trong đó có 2 chỉ số được xếp vào nhóm cao nhất là trách nhiệm giải trình với người dân (4,41 điểm) và quản trị điện tử cấp tỉnh (3,31 điểm).
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (viết tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Từ năm 2018, Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; TTHC công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin