Thái Nguyên có hệ thống y tế đang phát triển mạnh mẽ với 8 bệnh viện tuyến tỉnh, 4 trung tâm y tế tuyến tỉnh, cùng hàng trăm cơ sở y tế khác. Với lực lượng cán bộ y tế gần 4.500 người, trong đó có hơn 2.000 bác sĩ, Thái Nguyên đang tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất trong lĩnh vực y tế; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Xuất phát từ thực tế đó, Viện Nghiên cứu Tổ chức và Kinh tế số (RIDE) phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh triển khai dự án "Xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý tinh gọn (LEAN) kết hợp hệ thống quản lý năng lực và chất lượng phòng xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 15189:2022 nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên".
Triển khai "Xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý tinh gọn (LEAN) kết hợp hệ thống quản lý năng lực và chất lượng phòng xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 15189:2022 nhằm nâng cao năng suất và chất lượng trong lĩnh vực Y tế” tại Bệnh viện A Thái Nguyên. |
Với mục tiêu xây dựng thành công mô hình điểm cho các tổ chức, doanh nghiệp y tế tại Thái Nguyên, áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý tinh gọn LEAN kết hợp với hệ thống quản lý năng lực và chất lượng phòng xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 15189:2022, Viện RIDE đã khảo sát và lựa chọn hai đơn vị để hỗ trợ chuyên sâu áp dụng hệ thống quản lý tinh gọn LEAN kết hợp với hệ thống quản lý ISO 15189:2022, gồm: Bệnh viện A Thái Nguyên và Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. Từ đó, đánh giá thực trạng hệ thống quản lý và đề xuất các giải pháp cải tiến cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới vào quản lý, vận hành, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và uy tín của ngành Y tế Thái Nguyên trong thời gian tới.
Theo ông Lê Anh Hưng, Phó viện trưởng Viện RIDE, ISO 15189:2022 là tiêu chuẩn quốc tế dành riêng cho các phòng xét nghiệm y tế, nội dung chính của tiêu chuẩn bao gồm các yêu cầu về quản lý hệ thống như tổ chức và quản lý, quản lý tài liệu và kiểm soát hồ sơ. Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189:2022 giúp nâng cao tính chính xác và độ tin cậy của kết quả xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị, đồng thời cải thiện năng lực quản lý về chất lượng của các phòng xét nghiệm y tế. Ngoài ra, việc áp dụng ISO 15189:2022 còn tạo điều kiện cho các cơ sở y tế xem xét và sử dụng kết quả xét nghiệm của nơi khác, cung cấp cơ sở tin cậy cho các hoạt động giám định sức khỏe, pháp y và giúp tham gia các hoạt động đánh giá thừa nhận lẫn nhau với các phòng xét nghiệm khác trên thế giới; đồng thời, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ và chuyên viên kỹ thuật của phòng xét nghiệm. Việc áp dụng hai phương pháp này không chỉ giúp cải thiện quy trình làm việc mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của bệnh nhân. Chính vì những ưu điểm, lợi thế trên, nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam đã triển khai và đạt được kết quả nhất định, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, và Bệnh viện Việt - Pháp là những cơ sở tiên phong trong việc áp dụng LEAN để cải thiện quy trình hoạt động...
Chuyên gia Viện Nghiên cứu Tổ chức và Kinh tế số (RIDE) đào tạo kiến thức về hệ thống quản lý tinh gọn (LEAN) và tiêu chuẩn ISO 15189:2022 tại Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên |
Sau khi triển khai áp dụng, Bệnh viện A Thái Nguyên đã hoàn thiện bộ tài liệu quản lý năng lực và chất lượng theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 15189:2022 tại Khoa Huyết học Truyền máu và Khoa Sinh hóa Vi sinh. Việc này không chỉ đảm bảo chất lượng dịch vụ xét nghiệm mà còn tăng cường tính minh bạch và khả năng kiểm soát chặt chẽ các quy trình. Kết quả, bệnh viện đã được tổ chức đánh giá và cấp chứng nhận ISO 15189:2022 vào tháng 10/2024, khẳng định sự tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về năng lực và chất lượng trong lĩnh vực xét nghiệm y tế. Bên cạnh đó, ứng dụng mô hình quản lý tinh gọn LEAN đã mang lại thành công trong đề tài “Cải tiến quy trình quản lý và tìm kiếm thông tin trong xét nghiệm Giải phẫu bệnh”, giúp tiết kiệm 70% thời gian tìm kiếm khối nến/ tiêu bản tại khoa giải phẫu bệnh. Việc áp dụng mô hình tinh gọn LEAN giúp loại bỏ những lãng phí trong quy trình xét nghiệm, từ đó cải thiện năng suất và hiệu quả công việc.
Chuyên gia Viện Nghiên cứu Tổ chức và Kinh tế số (RIDE) khảo sát áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189:2022 tại Khoa Sinh hóa Vi sinh (Bệnh viện A Thái Nguyên) |
Với tầm nhìn trở thành một trong những bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên luôn tìm kiếm các phương pháp quản lý và vận hành tiên tiến. Việc tham gia mô hình điểm LEAN và ISO 15189:2022 là cơ hội để bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý hiệu quả hơn. Tháng 10-2024 Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã vinh dự đón nhận chứng chỉ ISO 15189:2022 dành cho Khoa Xét nghiệm. Điều này cho thấy các bệnh viện, phòng xét nghiệm lâm sàng được chứng minh một cách khách quan và công nhận xét nghiệm có chất lượng, năng lực kỹ thuật cần thiết, với các xét nghiệm chính xác, các quy trình được kiểm soát và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo thông tin chẩn đoán lâm sàng, thiết lập sự tin cậy giữa xã hội, bệnh nhân, bác sĩ và dịch vụ phòng xét nghiệm.
Áp dụng LEAN và ISO 15189:2022 tại 2 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các tổ chức y tế, mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của toàn tỉnh. Việc xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý tinh gọn (LEAN) kết hợp với hệ thống quản lý năng lực và chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 15189:2022 trong các phòng xét nghiệm y tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng, như tối ưu hóa quy trình, giảm lãng phí, nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Những thành công ban đầu từ Bệnh viện A Thái Nguyên và Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã tạo tiền đề cho việc nhân rộng mô hình này, hỗ trợ phát triển bền vững hệ thống y tế và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin