Làm giàu nơi cửa rừng

Phạm Ngọc Chuẩn 10:58, 07/09/2022

Khi nhiều lao động trẻ "đổ xô" về các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh làm công nhân, thì anh Vũ Đức Hoàn, xóm Thắng Lợi, xã Tràng Xá (Võ Nhai) nói: "Tôi sẽ bám đất, bám rừng để làm một ông chủ". Ít năm sau, anh đã thực hiện được lời nói của mình trước bạn bè, trở thành hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Anh Vũ Đức Hoàn (thứ 2 từ phải vào) chia sẻ công việc sản xuất của cơ sở với cán bộ Hội Nông dân tỉnh.
Anh Vũ Đức Hoàn (thứ 2 từ phải vào) chia sẻ công việc sản xuất của cơ sở với cán bộ Hội Nông dân tỉnh.

32 tuổi, anh Hoàn sở hữu một khối tài sản bạc tỷ, gồm nhiều loại xe cơ giới, máy móc, thiết bị phục vụ cho công việc kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất gỗ bóc. Từ 3 năm nay, cơ sở sản xuất của anh tạo việc làm thường xuyên cho 27 lao động địa phương, với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Hoàn kể: Nhà có 5ha đất sản xuất, chủ yếu trồng rừng, cây ăn quả, ngô và có ít ruộng cấy lúa. Vậy mà cả gia đình làm việc quần quật quanh năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Chán cảnh nghèo túng, nhiều bạn bè cùng lứa tuổi rủ tôi đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, đi phụ xây lấy tiền công cải thiện cuộc sống. Tôi nghĩ nhiều lắm, nhưng rồi nhất định bám quê, quyết tâm làm giàu ngay trên chính mảnh đất của cha mẹ mình.

Được bố mẹ ủng hộ, anh Hoàn vay mượn vốn liếng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm, đồng thời mở cửa hàng bán phân bón phục vụ bà con trong vùng. Năm đó anh 23 tuổi, non nớt, thiếu kinh nghiệm và bị thất bại ngay từ lứa lợn đầu tiên. Song không nản chí, anh tiếp tục vay mượn, duy trì công việc chăn nuôi và cửa hàng bán phân bón của gia đình. Vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, công việc chăn nuôi dần ổn định, thị trường phân bón nông nghiệp được mở rộng ra các vùng lân cận. 3 năm sau, kinh tế gia đình được vực lại, không chỉ có tiền trả hết nợ cho người thân, anh Hoàn đã có vốn tích lũy.

Cũng vào thời điểm đó, anh nhận ra công việc chăn nuôi lợn và gia cầm cũng như đại lý phân bón nông nghiệp không phù hợp với mình. Anh chia sẻ: Việc chăn nuôi trang trại có thể duy trì, phát triển, nhưng đại lý phân bón nông nghiệp sẽ khó hơn vì trước đó đã có nhiều người làm. Chính vì thế, năm 2016, tôi quyết định chuyển đổi hẳn sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Lĩnh vực này thuận lợi hơn rất nhiều vì có ít người làm. Hơn nữa, kinh tế của người dân trong vùng phát triển, bà con đua nhau xây nhà đẹp và các công trình khác nên nhu cầu về vật liệu xây dựng cao.

Để tạo dựng thương hiệu và mở rộng thị trường, anh Hoàn làm việc nghiêm túc, không nề nan khó khổ. Tiếng lành đồn xa, cơ sở kinh doanh của anh ngày càng có nhiều người đến hợp tác, mua vật liệu xây dựng. Nhiều bà con đến mua hàng chưa có tiền mặt, anh vui vẻ ứng trước, đợi thu hoạch mùa vụ mới thanh toán tiền gốc. Anh bảo: Có trường hợp mua hàng sau 1 năm mới trả hết, nhưng tôi không lấy lãi của ai.

Công việc làm ăn càng bận rộn, tiền vốn đầu tư của anh càng xoay vòng nhanh. Tiền tích lũy cũng thêm đầy đặn, dài vốn. Năm 2021, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng thị trường chế biến lâm sản, anh Hoàn quyết định đầu tư vốn mở thêm xưởng bóc gỗ. Ông Hoàng Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng Xá cho biết: Là “con nhà nông dân đặc sệt”, nên công việc kinh doanh vật liệu xây dựng và làm gỗ bóc đều mới lạ đối với anh Hoàn. Nhưng anh đã thành công vì biết tìm hiểu thị trường, chịu nghiên cứu về quản lý nhà xưởng, sử dụng nhân công và thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất.

Trong lúc đưa chúng tôi đi tham quan khu nhà xưởng gỗ bóc, anh Hoàn phấn chấn: Để bảo đảm sản xuất an toàn, các loại máy móc của tôi đều được cơ quan chức năng kiểm định, cho phép hoạt động. Về nhân công, 100% được phổ biến, hướng dẫn về an toàn vệ sinh lao động. Trong 5 năm gần đây, trừ các khoản chi phí đầu tư, tiền lương trả cho người lao động, nộp thuế... tôi thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh Hoàn còn tích cực giúp đỡ bà con trong vùng cùng vươn lên phát triển kinh tế. Nhiều hộ nghèo được anh cho vay vốn không lấy lãi. Nhờ sự giúp đỡ của anh, không ít hộ đã thoát nghèo bền vững.

Anh Hoàn tự tin: Công việc sản xuất, kinh doanh của tôi được chính quyền địa phương ủng hộ, bà con trong vùng tin mến hợp tác. Tôi đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với khối lượng lớn cùng một số doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Hiện nay, tôi đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, với ý tưởng tạo việc làm có thu nhập ổn định cho khoảng 50 lao động địa phương.