Tạo sự gắn kết và đồng thuận

Nhị Hà 14:51, 09/11/2022

Những ngày này, không khí chuẩn bị và tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh trở nên rộn ràng, nhộn nhịp. Đây là dịp để bà con cùng nhau nhìn lại những việc mà cộng đồng thôn, xóm, tổ dân phố đã làm được và đặt mục tiêu phấn đấu cho thời gian tiếp theo. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức cũng giúp cho tình đoàn kết, mối quan hệ xóm làng thêm bền chặt.

Người dân phường Bắc Sơn (TP. Phổ Yên) tham gia thi công đường giao thông.
Người dân phường Bắc Sơn (TP. Phổ Yên) tham gia thi công đường giao thông.

Năm nay, người dân xóm 4, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) thêm phấn khởi vì đã cơ bản hoàn thành việc bê tông hóa hệ thống đường giao thông, kể cả các tuyến đường nội đồng và ngõ vào từng hộ gia đình. Ông Nguyễn Văn Hòa, một người dân trong xóm khoe: Các tuyến đường dù là trục chính hay nhánh thì chúng tôi đều huy động nhân dân cả xóm đóng góp kinh phí và ngày công lao động chứ không chia ra theo từng nhóm hộ. Những lúc thi công đường vui lắm, như ngày hội vậy.

Bí thư Chi bộ xóm 4 Trần Thanh Hải chia sẻ bí quyết: Đối với các công trình, phần việc của tập thể thì dù quy mô xây dựng to hay nhỏ, thiết kế ra sao, hình thức và mức đóng góp thế nào…, chúng tôi đều tổ chức họp công khai để thảo luận, tổng hợp ý kiến của bà con và đưa vào nghị quyết chỉ đạo của Chi bộ. Trong quá trình triển khai, các gia đình và cá nhân hảo tâm nào ủng hộ thêm đều có thông báo trên loa truyền thanh và ghi trang trọng ở bảng khi công trình hoàn thành. Người có tấm lòng dù ít hay nhiều cũng cảm thấy vui vì được ghi nhận. 

Ở thôn Bãi Hội, xã Bảo Cường (Định Hóa), tinh thần gắn kết và đồng thuận cũng được nhân dân phát huy khi thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Trưởng thôn Vũ Văn Tuân cho biết: Bãi Hội trước đây có 50 hộ với khoảng 240 nhân khẩu. Tinh thần đoàn kết được thể hiện rõ nhất qua mô hình “Hòm tiết kiệm xây dựng nông thôn mới” triển khai từ năm 2016. Mỗi gia đình tiết kiệm từ 5-10 nghìn đồng/tháng, đến vụ thu hoạch hoa màu hay xuất chuồng đàn vật nuôi thì có thể góp nhiều hơn. Ban phát triển của thôn phân công các tổ đi thu, tổng hợp và gửi số tiền này vào ngân hàng. Khi thôn có công việc gì thì bàn bạc, thống nhất sử dụng nguồn quỹ này một cách phù hợp. Nhờ vậy, bà con không phải đóng góp nhiều trong một lần, giảm gánh nặng đối với các hộ nghèo.

Cuối năm 2019, Bãi Hội sáp nhập thêm 2 thôn Nà Lai và Thanh Cường, quy mô tăng lên gần 160 hộ dân. Nhiều tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu sau khi rà soát lại trở thành không đạt, nhất là tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà văn hóa không đủ chỗ ngồi, tỷ lệ kênh mương được cứng hóa ở 2 thôn Nà Lai và Thanh Cường mới đạt khoảng 70%... Để phù hợp với thực tế sau sáp nhập, Ban phát triển của thôn đã quyết định tiếp tục duy trì mô hình "Hòm tiết kiệm xây dựng nông thôn mới" để tập trung đối ứng thực hiện các công trình hạ tầng và hỗ trợ các hộ khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo...

Người dân xóm Quang Trung, xã Bản Ngoại (Đại Từ) trao đổi kinh nghiệp sản xuất chè an toàn.
Người dân xóm Quang Trung, xã Bản Ngoại (Đại Từ) trao đổi kinh nghiệp sản xuất chè an toàn.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, nhờ sự đồng lòng của cộng đồng dân cư đã giúp phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh gặt hái được những kết quả đáng mừng. Nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự, khu dân cư xanh - sạch - đẹp, xã, phường an toàn và trong sạch về môi trường ra đời và hoạt động hiệu quả. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Thái An, thị trấn Đu (Phú Lương) chia sẻ kinh nghiệm: Với quy mô gần 320 hộ dân, chúng tôi chia khu dân cư thành 8 tổ tự quản, mỗi tổ lại chia thành các nhóm gồm 3-5 hộ. Quy định vào ngày cuối tháng, tất cả các hộ cùng quét dọn vệ sinh đường, nhà văn hóa và các khu vực công cộng; đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, từ đó thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó của bà con…

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã và đang diễn ra góp phần tăng thêm tình cảm gắn kết trong mỗi cộng đồng dân cư. Thông qua Ngày hội, mỗi người dân có dịp ôn lại và thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, từ đó tích cực phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay xây dựng quê hương. Với nhiều hoạt động thiết thực, việc tổ chức Ngày hội góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết trong các cộng đồng khu dân cư, từ đó tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Từ khóa:

doan ket

Ngay hoi