Sức mạnh cộng đồng làm nên chiến thắng

Tùng Lâm 12:29, 09/11/2022

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Lời dạy của Người vẫn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau, thể hiện sức mạnh của tình đoàn kết và của cả cộng đồng. Trên quê hương Thái Nguyên, từ sức mạnh cộng đồng đã giúp mảnh đất có gần 1,3 triệu dân này làm nên những điều kỳ diệu.

Trong những ngày bão dịch COVID-19, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã huy động tiền mặt, vật chất, vật tư y tế hỗ trợ các chốt kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch.
Trong những ngày "bão dịch" COVID-19, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã huy động tiền mặt, vật chất, vật tư y tế hỗ trợ các chốt kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch.

Hiện nay, dịch COVID-19 đã lắng xuống, cuộc sống đã trở lại bình thường. Dù vậy, người dân Thái Nguyên đều nhớ như in những ngày dịch bùng phát ở khắp các xóm, phố… Khi ấy, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại Thái Nguyên tăng lên 4 con số. Vì thế, cuộc sống của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng; lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch luôn ở trong trạng thái quá tải. 

Khó khăn là vậy, nhưng người dân Thái Nguyên không chùn bước. Thời điểm ấy, trong cộng đồng dân cư đã xuất hiện những câu chuyện chan chứa tình người. Nhiều khu dân cư đã có những sáng kiến hay để cùng nhau vượt qua “bão dịch”. Đáng nói, nhiều người dù gia cảnh không mấy dư dả vẫn đi đầu trong việc hỗ trợ những người gặp khó khăn do dịch, vận động cộng đồng hỗ trợ vật tư y tế cho cán bộ y tế làm nhiệm vụ chống dịch.

Có lẽ, câu chuyện khiến chúng tôi nhớ nhất đó là trong thời điểm dịch COVID-19 cam go nhất tại các tỉnh phía Nam (tháng 8-2021), Thái Nguyên đã quyết định hỗ trợ những người con của quê hương đang sống, làm việc ở 22 tỉnh, thành phố có dịch là: Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, với số tiền 2 triệu đồng/người. Vào thời điểm khó khăn ấy, món tiền này vô cùng quý giá đối với những người con xa quê.

Trong những ngày “bão dịch”, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã đứng ra quyên góp tiền, trang thiết bị y tế hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đơn cử như Câu lạc bộ Honda 67 tỉnh Thái Nguyên, hơn 1 năm trước đã huy động cộng đồng quyên góp được trên 10 triệu đồng để mua trang thiết bị, nhu yếu phẩm (gồm trên 5.000 chiếc khẩu trang, 400 đôi găng tay y tế, nước sát khuẩn, nước khoáng, sữa…) hỗ trợ Chốt kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 tại ngã tư cầu Ca, xã Kha Sơn và Bệnh viện Đa khoa Phú Bình.

Ngoài ra, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhất, có nhiều gia đình 100% thành viên đều mắc dịch nên phải thực hiện “cách ly xã hội”, không thể thu hoạch được lúa, rau màu. Do đó, các tổ chức đoàn thể của địa phương đã vận động hội viên chung tay giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thu hoạch nông sản. Bà Ngô Thị Mai, ở xã Bình Thuận (Đại Từ) chia sẻ: Khi dịch càn quét khắp nơi, nếu không có sự hỗ trợ của bà con xóm giềng, chắc chắn nhiều ruộng lúa sẽ chín rụng ngoài đồng, rau xanh cũng già úa, phải bỏ đi…

Người dân Thái Nguyên đã vượt qua dịch COVID-19 bằng sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau như vậy. Và sức mạnh của cộng đồng còn thể hiện qua rất nhiều việc làm có ý nghĩa khác nơi vùng đất chiến khu xưa. Đó là việc các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã kêu gọi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động “giải cứu” các loại nông sản (rau, củ, quả) cho nông dân vùng dịch. Hay đó là việc cả cộng đồng cùng đoàn kết, tích cực xây dựng nông thôn mới, hiến đất mở rộng, đổ bê tông những con đường uốn lượn khắp các bản làng trong tỉnh, xây dựng nhà văn hóa khang trang, rộng rãi…

Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã hiến đất làm đường nội đồng.
Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã hiến đất làm đường nội đồng.

Và câu chuyện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2016-2020 ở Minh Lập (Đồng Hỷ) chính là minh chứng rõ nét nhất về sức mạnh của cộng đồng, của tình đoàn kết. Đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, hai năm sau (2017), Minh Lập tiếp tục được chọn là 1 trong 9 xã của tỉnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Khi ấy, để nâng cấp tuyến đường liên xã dài 6km thành đường nông thôn mới kiểu mẫu, xã phải huy động hàng trăm hộ dân hiến đất mở rộng mặt đường từ 5m lên 6,5m. 

Ông Dương Đình Hùng, ở xóm Ao Sơn - một trong những hộ tham gia hiến đất, tài sản trên đất thời điểm đó, chia sẻ: Vì lợi ích cộng đồng, gia đình tôi đã tự nguyện phá dỡ tường rào, cổng nhà để bàn giao đất cho đơn vị thi công đường. Giờ đây, ngắm con đường rộng rãi, to đẹp đi qua trước cửa nhà, tôi thấy mình đã quyết định rất đúng đắn. 

Có sự chung tay của cộng đồng, trong giai đoạn 2016-2020, xã Minh Lập đã huy động được 200 hộ tham gia hiến đất, tài sản trên đất để xây dựng những tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả này cho thấy chính sức mạnh cộng đồng đã làm nên thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Đồng Hỷ nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung.

Sức mạnh cộng đồng, sức mạnh tập thể chính là nền tảng vững chắc nhất cho những thành công chung ở Thái Nguyên. Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, nhận định: Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục được phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới toàn diện quê hương, đất nước. Vì lẽ đó, vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong công tác dân vận tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị - xã hội của tỉnh... 


Từ khóa:

doan ket

suc manh

chien thang