Những năm qua, hạ tầng giao thông Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ ở cả 2 lĩnh vực “đối nội” và “đối ngoại”, giúp kết nối tỉnh với nhiều vùng kinh tế năng động của đất nước. Qua đó tạo đà cho thu hút đầu tư, đưa Thái Nguyên ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Đường tỉnh 261 nối TP. Phổ Yên - Đại Từ vừa được đầu tư nâng cấp, mở rộng. |
Những hạn chế ban đầu
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên chỉ có một số tuyến đường chính để kết nối với các tỉnh, như: Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (Quốc lộ 3 ngày nay); tuyến đường TP. Thái Nguyên - Võ Nhai - Bắc Sơn (Lạng Sơn); TP. Thái Nguyên - Đại Từ - Tuyên Quang. Tuy nhiên, những tuyến đường chính này còn rất nhỏ hẹp, phần lớn chưa được thảm nhựa. Nhưng đây lại là điều kiện thuận lợi cho cách mạng trong thời kỳ hoạt động bí mật và chiến tranh du kích.
Đến năm 1956, tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng mới bắt đầu được mở rộng và dần dần được thảm nhựa để phục vụ việc vận chuyển quặng thiếc từ Cao Bằng về xuôi, vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam.
Sau năm 1975, chính quyền và nhân dân các dân tộc tại Thái Nguyên tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ khắc phục hệ thống cầu cống, đường bị đế quốc Mỹ bắn phá để đảm bảo các hoạt động giao thông cơ bản và từng bước thảm nhựa các tuyến quốc lộ. Từ năm 2000, các tuyến tỉnh lộ mới được đầu tư thảm nhựa…
Ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, chia sẻ: Mạng lưới giao thông Thái Nguyên thực sự được đầu tư hoàn thiện và phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trước đó, chúng ta chỉ có một số tuyến đường chính nên việc đi lại, thông thương còn gặp khó khăn. Cụ thể: Các phương tiện muốn đi Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng và một số huyện của Tuyên Quang đều phải di chuyển qua tuyến Quốc lộ 3 nên tình trạng ùn ứ, mất an toàn giao thông khá phổ biến. Hơn 10 năm trở lại đây, việc cải tạo, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 3, đoạn từ TP. Phổ Yên - TP. Thái Nguyên (năm 2009); tuyến Quộc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên cũng được triển khai và hoàn thành năm 2012, đã góp phần giảm áp lực cho Quốc lộ 3 cũ. Đặc biệt, tuyến Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng, như: Quốc lộ 1A; Quốc lộ 5; Quốc lộ 18 để đi các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Hoàn thiện giao thông “đối nội”
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông "đối nội". Trên cơ sở các tuyến đường cũ, tỉnh nâng cấp, cải tạo, mở rộng nhiều tuyến đường có ý nghĩa quan trọng để trở thành tỉnh lộ, nhằm giúp kết nối và đẩy mạnh thông thương hàng hóa giữa các địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có 20 tuyến, với tổng chiểu dài gần 400km. Trong đó, có một số tuyến tỉnh lộ mới được nâng cấp, như: ĐT.273 (Hóa Thượng- Hòa Bình); ĐT.263 (thị trấn Đu - Phú Lạc); ĐT.269D (Tràng Xá - Linh Nham); đường An Khánh - Phúc Hà; đầu tư nâng cấp ĐT.269 thành Quốc lộ 17, Linh Nham - Yên Thế (Bắc Giang).
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã và đang triển khai hoàn thiện hệ thông giao thông đô thị hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB), TP. Thái Nguyên triển khai xây dựng đường Việt Bắc nối dài tạo trục Bắc - Nam của thành phố và tuyến đường Đồng Bẩm - Linh Sơn - Huống Thượng nối đường Xuân Hòa, thuộc dự án Tổng hợp đô thị động lực có tổng vốn đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Tuyến đường thuộc dự án tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên, đoạn qua địa bàn xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn, đang được đẩy nhanh tiến độ. |
Ngoài ra, tuyến đường Bắc Sơn kéo dài cũng được Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đầu tư, với tổng số vốn hơn 2 nghìn tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP) - Hợp đồng BT.
Cùng với đó, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được Nhà nước hỗ trợ xi măng để đổ bê tông. Qua đó, việc đi lại, giao thương thuận tiện hơn, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt…
Phát triển giao thông “đối ngoại”
Hệ thống giao thông “đối ngoại” của Thái Nguyên thực sự phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây. Điều này được minh chứng qua các dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể như: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được khởi công từ năm 2009 đến năm 2012 hoàn thành và đi vào sử dụng, góp phần giảm áp lực cho Quốc lộ 3 cũ, rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển giữa Thái Nguyên - Hà Nội; kết nối với các tuyến giao thông đến các vùng kinh tế phát triển mạnh như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh…
Ngoài ra, tuyến đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thái Nguyên - Bắc Giang; Thái Nguyên - Vĩnh Phúc được triển khai giai đoạn 1, với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án đã hoàn thành, giúp kết nối Khu công nghiệp Yên Bình với Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình (đã phê duyệt quy hoạch).
Đặc biệt, Thái Nguyên đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng Tuyến đường liên kết vùng dài 42km kết nối Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua TP. Phổ Yên, huyện Đại Từ và kết nối với huyện Định Hóa, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin